"Tiền lương ngành tư pháp như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý"

06:48, 19/10/2017
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần có chính sách lương thích hợp với ngành tư pháp, nhất là 3 chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa bởi chính sách tiền lương ngành này áp dụng như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý...

Lương thẩm phán
Ảnh minh họa

Ngày 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu đã làm việc với Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), khảo sát thực trạng chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành tòa án nhân dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đề án cải cách tiền lương mà Chính phủ xây dựng để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 vừa phải có thay đổi mang tính chất căn bản, vừa khắc phục cho được các bất cập, bất hợp lý.

“Tiền lương phải thể hiện được hao phí lao động của con người, phù hợp với các nguyên tắc quy luật khách quan về giá cả - tiền lương - năng suất lao động theo định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách tiền lương phải phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của nước ta”, Phó Thủ tướng nói.

Lắng nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận của các thành viên Đoàn khảo sát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đối với ngành Tòa án có đặc thù là cơ quan duy nhất nhân danh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp mà chính sách tiền lương áp dụng như các bộ, ngành khác là chưa hợp lý. Do đó cần có chính sách lương thích hợp với ngành này, nhất là 3 chức danh Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa.

“Cần nghiên cứu tính toán trả lương theo vị trí và chức danh theo cấp hành chính và cấp tổ chức của Tòa án. Những phụ cấp gắn với chức danh đưa vào lương. Phụ cấp theo ngành, lĩnh vực, khu vực cần nghiên cứu xem xét”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị TANDTC hoàn thiện thêm các thông tin số liệu về quản lý biên chế, trả lương trong đội ngũ công chức, viên chức, khoán quỹ lương, tiết kiệm chi thường xuyên, báo cáo kỹ hơn để gửi tới Bộ Nội vụ. Các kiến nghị, đề xuất thay đổi cần mang tính chất căn bản, khắc phục những bất hợp lý phát sinh hiện nay.

TANDTC tổ chức đoàn nghiên cứu khảo sát nước ngoài tương đồng với Việt Nam về thể chế cũng như những nước có nền tư pháp phát triển, báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát cùng các đề xuất lên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc