(VnMedia) - Quy định mới về xếp lương, thi nâng ngạch công chức; Đầu tư quỹ hưu trí không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản... là những quyết định quan trọng chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/10).
Quy định mới về xếp lương, thi nâng ngạch công chức
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 13/2010/TT-BNV về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức.
Theo đó, Thông tư 05 bổ sung quy định về bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức chuyên ngành hành chính gồm: Áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước) đối với các ngạch công chức: Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1); ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1); ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1; ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0; ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B.
Áp dụng Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước) đối với ngạch nhân viên lái xe cơ quan.
Thông tư 05 cũng quy định rõ cách chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức đang giữ các ngạch công chức chuyên ngành hành chính (cũ).
Đối với ngạch cán sự, công chức tốt nghiệp trình độ cao đẳng phù hợp với vị trí công việc đang làm thì được bổ nhiệm vào ngạch cán sự (mới).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/10/2017.
Đầu tư quỹ hưu trí không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 86/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2017.
Theo Thông tư này, quỹ hưu trí được đầu tư không vượt quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng chỉ của một quỹ đầu tư chứng khoán. Trường hợp đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán của các quỹ do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quản lý, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí chỉ được thu phí quản lý quỹ một lần.
Căn cứ tình hình thị trường tài chính và hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí, Bộ Tài chính có thể điều chỉnh danh mục và hạn mức đầu tư quy định.
Hàng tháng, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 và Điểm c Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP.
Khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP.
Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân quy định nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.
Sử dụng lao động nước ngoài phải giải trình nhu cầu qua mạng
Theo Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH và có hiệu lực từ ngày 2/10/2017, trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.
Về cấp giấy phép lao động, trước ít nhất bảy ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử trên địa bàn.
3 biện pháp xử lý tổ chức kinh doanh chứng khoán không an toàn tài chính
Theo Thông tư 87/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, công ty kinh doanh chứng khoán sẽ bị đặt vào tình trạng cảnh báo khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp gồm tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục; Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%;
Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.
Thời hạn kiểm soát không quá 12 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát.
Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Quy định về ngoại tệ trong trò chơi điện tử có thưởng
Theo Thông tư 11/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.
Có liên quan, Thông tư 10/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017 cũng đã hướng dẫn cụ thể việc nhận tiền thưởng bằng ngoại tệ đối với người chơi casino cả trong trường hợp nhận ngoại tệ bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản. Tuy nhiên, Thông tư 10/2017/TT-NHNN chỉ áp dụng cho người chơi là người nước ngoài.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc