Về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán tài chính-ngân sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là công việc thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm của Ban Chấp hành Trung ương nhằm rà soát lại tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách của đất nước, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị. Từ đó phát huy mặt tốt, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những mặt chưa tốt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và 5 năm đã đề ra.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ Tờ trình, Báo cáo của Ban cán sự Đảng Chính phủ và xuất phát từ tình hình thực tế trong nước, quốc tế cũng như các ngành, lĩnh vực, địa bàn nơi công tác để thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm.
Qua đó, chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là những yếu tố tích cực mới xuất hiện, những vấn đề nổi cộm mới phát sinh. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; thực hiện 3 đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế...
Đặc biệt là cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016.
Trên cơ sở đó dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế; những rủi ro về tài chính-tiền tệ, nhất là khi nợ công, nợ xấu còn cao, nhiều doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ.
Đồng thời, xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2018; đề ra các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Sẽ có Nghị quyết về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội; chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là công tác đặc biệt quan trọng liên quan đến mọi người, mọi nhà và được cả xã hội quan tâm, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta.
Ngày 14/1/1993, Ban Chấp hành Trung ương khoá VII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năm 2005, Bộ Chính trị khoá IX cũng ra Nghị quyết về vấn đề này. Từ đó đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 8 chỉ thị, 3 kết luận, 4 thông báo và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế cả nước đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nhiều chính sách, biện pháp tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nước ta được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân cũng bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm, để xảy ra một số sự việc, sự cố gây bức xúc xã hội. Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương cần bàn và ra nghị quyết về vấn đề này.
Trên cơ sở các Báo cáo, Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, đề nghị Trung ương thảo luận, đi sâu phân tích, đi đến thống nhất cao nhận định về những kết quả, ưu điểm, thành tích cũng như về những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong thời gian qua; chỉ ra những thời cơ, thuận lợi cần kịp thời nắm bắt và những khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua trong thời gian tới. Từ đó xác định quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần nắm vững và thực hiện trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên hàng hoạt vấn đề, câu hỏi liên quan. Cụ thể, về thời cơ, thuận lợi, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải chăng đó là những kết quả, thành tích đã đạt được trong lĩnh vực này cũng như những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới; sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ y tế dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế?
Về khó khăn, thách thức, phải chăng cần kể đến những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực có liên quan; sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện sống, lối sống, môi trường sống và làm việc, các loại dịch bệnh; nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn?
Về bài học kinh nghiệm, phải chăng cần nhấn mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; vai trò chủ đạo của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc vận dụng đúng đắn cơ chế thị trường để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân gắn với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và tính ưu việt của chế độ ta, như chúng ta đã phát triển được hệ thống y tế cơ sở, quản lý, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở từng xã, phường, cơ quan, đơn vị trong những năm tháng đất nước còn khó khăn hơn hiện nay rất nhiều.
Về quan điểm, định hướng, phải chăng cần nhấn mạnh kết hợp tốt hơn nữa giữa phòng bệnh và chữa bệnh; giữa chăm sóc và bảo vệ; giữa đông y và tây y; giữa y tế cơ sở với y tế các tuyến trên; giữa đầu tư ngân sách nhà nước với tăng cường tự chủ, xã hội hoá; giữa y tế toàn dân với đào tạo các bác sĩ, chuyên gia giỏi, đầu ngành...
Trong 25 năm qua, cả nước đã kiên trì, kiên quyết thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII. Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, phát sinh những vấn đề mới cần kịp thời có định hướng xử lý. Ví dụ, mức sinh giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Nước ta đang bước vào thời kỳ "già hoá dân số", đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già", bỏ lỡ cơ hội của "thời kỳ dân số vàng". Quản lý dân số, quản lý di cư, nhất là di cư tự do còn nhiều bất cập. Chất lượng dân số, nhất là chiều cao và thể lực chậm được cải thiện. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn xảy ra ở một số vùng dân tộc ít người; tỉ lệ người bị khuyết tật trong dân số còn cao...
Trên cơ sở thống nhất nhận định về tình hình, xu thế phát triển trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương đi sâu phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên đây, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công của công tác dân số ở nước ta và tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Từ đó, đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, làm tốt hơn nữa công tác dân số trong trong tình hình mới.
Tổng Bí thư nêu quan điểm: Phải chăng trong thời gian tới, nước ta cần chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển? Nội hàm cụ thể của các khái niệm đó là gì? Ý nghĩa thực tiễn của nó ra sao? Tập trung phân tích những căn cứ và sự cần thiết, đúng đắn của việc chuyển trọng tâm từ giảm tăng dân số thông qua việc thực hiện triệt để, đồng loạt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con sang kiểm soát quy mô, nâng cao chất lượng dân số bằng chính sách duy trì mức sinh thay thế. Chú ý tính khả thi, phù hợp của mục tiêu lựa chọn và các chính sách, biện pháp đã đề ra. Đặc biệt là phương án lựa chọn về quy mô dân số và các chính sách bảo đảm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số như duy trì mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng tốt nhất điều kiện cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hoá dân số; quản lý tốt di cư, nhất là di cư tự do; nâng cao chất lượng dân số...
Ý kiến bạn đọc