(VnMedia) - Khoảng 6h sáng nay, 12/10, đê Bùi 2 thuộc Chương Mỹ, Hà Nội (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến) đã bị vỡ. Rất may, không có thiệt hại về người.
Theo ông Lê Trung Hà - Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ), hiện các lực lượng vẫn đang khẩn trương khắc phục, không cho đê vỡ thêm. Trước mắt, đê vỡ làm ảnh hưởng một số hoa màu của người dân.
Sáng nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại huyện Chương Mỹ, trực tiếp nắm tình hình và thăm hỏi đời sống, tặng quà một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở thị trấn Xuân Mai.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.
Đặc biệt, có 9.900 mét đê bị ngập, bao gồm các địa bàn: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn…
Chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Chương Mỹ, các xã trong vùng ngập lụt và các cơ quan thành phố đã tập trung mọi sức lực để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Trước đó, tối 11/10, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và các thành viên thuộc Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Thành phố đã đi kiểm thực tế và chỉ đạo ứng phó với mưa lũ trên địa bàn một số xã, thị trấn, huyện Chương Mỹ.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình ngập úng tại cầu Tiên Trượng, xã Thủy Xuân Tiên; kiểm tra công tác huy động lực lượng kè chống tràn trên đê Trung Hòa (sông Đáy), nắm tình hình di dân bảo vệ tài sản tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến.
Theo báo của mới nhất của UBND huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có mưa kéo dài, lượng mưa đo được từ 7h00 ngày 9/10 đến 17h00, ngày 11/10, tại Chúc Sơn là 119mm. Tại trạm bơm Hạ Dục là 269mm, tại trạm Tri Thủy là 317mm, trạm Đồng Sương là 331mm. Lượng mưa lớn làm lượng nước trên sông Bùi dâng nhanh (đạt mức báo động III). Ngoài ra, các hồ chứa cũng ở mức cao như: Hồ Miễu 40,2/39,5m, hồ Đông Sương 18,7/18,2m, Hồ Văn Sơn 20,1/19,5m.
Trước tình hình đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện đã ban hành Công điện số 06/CĐ-BCH, hồi 10h30, ngày 11/10/2017 yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các xã, thị trấn, xí nghiệp thủy lợi, công ty điện lực... chuẩn bị đối phó với diễn biến của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa. Thực hiện trực 24/24h, báo cáo thường xuyên về Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai huyện để tổng hợp.
Theo thống kê về thiệt hại, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 người bị nước cuốn trôi, 92ha lúa mùa chưa thu hoạch bị ngập, 814ha cây vụ Đông bị hư hỏng do mưa lớn, 43ha cây ăn quả bị ngập, ngoài ra, còn có 118ha diện tích thủy sản bị ngập. Huyện còn có 178 gia súc và 9.000 gia cầm bị chết.
Về một số đoạn đê xung yếu, hiện nay, chiều dài đoạn đê bị ngập 120m ở đê Đồng Trối, xã Thủy Xuân Tiên; ngoài ra, còn có 17m đê bị sạt lở ở xã Hoàng Văn Thụ; 228 hộ bị ngập, Để hạn chế các thiệt hại do ngập úng gây ra, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ vận hành 3 trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất để tiêu nước trong khu dân cư và đồng ruộng.
Cùng với lực lượng quân đội, các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ cho việc kè đê được tiến hành khẩn trương
Riêng tại thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, lực lượng chức năng của huyện đã di dời 115 hộ dân đến nơi an toàn. Kiểm tra tại điểm xung yếu đê sông Bùi tại xã Thanh Bình, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã động viên các lực lượng chức năng và nhân dân đang ứng trực, hộ đê chống nước tràn vào khu dân sinh, bảo vệ hoa màu…
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu huyện Chương Mỹ và các đơn vị, sở, ngành liên quan cần khẩn trương tập trung mọi lực lượng di dời tất cả người và tài sản đến nơi an toàn nếu xảy ra tình huống vỡ đê hay nước lũ tràn qua đê vào khu dân cư, bảo đảm không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc đối với nhân dân; tập trung di dời gia súc, gia cầm ở các trang trại ngoài đồng đến nơi an toàn. Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các lực lượng dân quân, nhân dân phải túc trực thường xuyên, sử dụng bao cát gia cố mặt đê. Những đoạn đê nào có nguy cơ tràn thì phải tiếp tục đắp chống tràn.
Đồng thời, tất cả các lực lượng phải kiểm tra hệ thống trạm biến áp điện thường xuyên, kịp thời, khi phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải cắt điện ngay, không để xảy ra mất an toàn, chập cháy điện.
Lực lượng công an chịu trách nhiệm tuần tra kiểm soát, không để xảy ra tình trạng trộm cắp trong quá trình di dời người dân và di chuyển tài sản; chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ để hướng dẫn người dân đến nơi tạm trú an toàn; chuẩn bị cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm, đặc biệt là nước sạch phục vụ nhân dân; chuẩn bị thuốc men đề phòng các trường hợp ốm đau bệnh tật được cứu chữa kịp thời; cắt cử lực lượng tuần tra, canh phòng, hộ đê, cảnh báo các điểm có nguy cơ tràn, cấm đi lại tại các khu vực nguy hiểm. Đối với các điểm trường, trường học bị ngập cần cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Các sở, ngành theo dõi sát sao diễn biến thời tiết tình hình ngập lụt, chủ động trước mọi tình huống, không để bị động...
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu tập trung lực lượng di dời tất cả con người, tài sản đảm bảo nếu trong đêm có xảy ra vỡ đê hay nước lũ tràn qua đê vào khu vực dân cư sinh sống tập trung, đảm bảo không để xảy ra tai nạn đối với nhân dân. Tập trung di dời gia súc, gia cầm ở các trang trại ngoài đồng.
Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các lực lượng dân quân, nhân dân túc trực thường xuyên, sử dụng bao cát gia cố mặt đê. Những đoạn đê nào có nguy cơ tràn thì phải tiếp tục đắp chống tràn. Tất cả các lực lượng phải kiểm tra hệ thống bốt điện thường xuyên, kịp thời, khi phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải cắt điện ngay, không để xảy ra mất an toàn, chập cháy điện.
Lực lượng công an chịu trách nhiệm bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, không để xảy ra tình trạng trộm cắp trong quá trình di dời người dân và di chuyển tài sản. Chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ để hướng dẫn người dân đến nơi tạm trú an toàn.
Chuẩn bị cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm, đặc biệt nước sạch phục vụ nhân dân; chuẩn bị thuốc men đề phòng các trường hợp ốm đau bệnh tật được cứu chữa kịp thời. Cắt cử lực lượng tuần tra, canh phòng, hộ đê, cảnh báo các điểm có nguy cơ tràn, cấm đi lại tại các khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo đối với các điểm trường, trường học bị ngập cần thông báo ngay cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các sở, ngành theo dõi sát sao diễn biến ngập lụt; chủ động trước mọi tình huống, không để bị động...
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc