(VnMedia) - Chỉ vì muốn con béo tốt, bụ bẫm như "con người ta", nhiều bà mẹ đã tìm đủ cách ép con ăn một cách phi khoa học, không những khiến trẻ ngày càng sợ ăn mà còn có nguy cơ xâm phạm quyền của trẻ em...
Dinh dưỡng luôn là vấn đề được cha mẹ chú trọng khi chăm sóc con trẻ. Cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng thể hiện trách nhiệm và tình thương của các bậc phụ huynh đối với thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách cho con cũng không phải là việc dễ dàng đối với cha mẹ.
Quan niệm truyền thống về “béo khỏe” đã vô tình tạo nên những thói quen, đôi khi là áp lực cho con ăn càng nhiều càng tốt.
“Tôi có một con trai được 26 tháng tuổi. Cháu có vẻ hơi còi hơn mấy đứa trẻ cùng trang lứa ở khu tập thể. Mẹ chồng tôi ở quê mỗi lần ra thăm đều than thở: “Mẹ nó nuôi kiểu gì mà để cháu bà gầy thế này”. Rồi thì mỗi lần trẻ con hàng xóm sang chơi, bà đều so sánh: “Ôi, nhìn nó bụ bẫm thích thế, chả bù cho cháu mình”… làm tôi cảm thấy rất sốt ruột, tìm đủ mọi cách ép cho con ăn. - chị Thúy (khu tập thể Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Suy nghĩ, hành động như chị Thúy là khá phổ biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, ép con ăn lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà cha mẹ có thể không lường trước được. Việc trẻ bị ép ăn có thể khiến trẻ sẽ sợ hãi, ngày càng biếng ăn hơn, không hứng thú còn làm giảm khả năng hấp thụ của bé, khiến bé còi cọc, chậm lớn. Bị ép ăn còn tạo ra những thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ sau này.
Đặc biệt, theo nhiều ý kiến cho rằng, “ép con ăn” cũng ở một khía cạnh cũng xâm phạm đến các quyền của trẻ em. “Mỗi lần ép con ăn mà không thành công, tôi thường bực mình quát tháo, thậm chí có lúc không kiềm chế được còn tét đít con nữa. Nhìn con vừa ăn vừa khóc, nhiều lúc tôi cũng thấy day dứt, ân hận.” - chị Thúy chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 21/10/2017, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp tổ chức tọa đàm chia sẻ về Dinh dưỡng với chủ đề “Con không muốn làm máy nghiền thức ăn” nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và trẻ em về Quyền dinh dưỡng của trẻ, về dinh dưỡng đủ chất và đúng cách.
Toạ đàm có sự tham gia của các khách mời là PGS.TS Trần Đình Toán – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng và MC Minh Trang - MC/ Biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Mầm nhỏ cùng các phụ huynh có con trong độ tuổi dưới 12 tuổi.
PGS.TS Trần Đình Toán cho biết: “Hiện nay ở Việt Nam đang nổi lên thực trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Song song với thực trạng suy dinh dưỡng thì có một bộ phận trẻ em béo phì. Theo điều tra, có những vùng có trên 20% trẻ em béo phì. Đối với trẻ em mà thừa cân thì sau này khi các cháu lớn lên thì sẽ khó chữa thừa cân, béo phì hơn. Ví dụ trong cơ thể có 1 triệu tế bào mỡ, nhưng khi béo phì thì số lượng đó sẽ nhân lên gấp đôi và khi trẻ lớn lên thì lượng tế bào đó càng phồng to hơn và béo phì cũng là tình trạng suy dinh dưỡng”. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Ở một khía cạnh khác, tâm lý lo lắng của các mẹ khi con suy dinh dưỡng, thường tìm đến các loại chất bổ sung để các bạn nhỏ tăng chất hấp thụ. Nhưng thực phẩm chức năng không thể thay thế được các thực phẩm tự nhiên, tươi ngon.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng sẵn sàng ăn các loại thức ăn bổ dưỡng, tươi ngon mà bố mẹ đưa ra. Nhiều trẻ sợ ăn rau, trong khi một số trẻ lại nhất định không chịu ăn thịt.
Để khuyến khích các bé ăn và có cảm hứng với món ăn của mình, MC Minh Trang chia sẻ: “Nếu đưa ra một khay ăn có nhiều màu sắc sẽ tốt hơn rất nhiều việc đưa cho con một nắm thuốc (chất bổ sung) có nhiều màu với nhiều chất. Việc giúp con trải nghiệm nấu ăn, sơ chế các loại thực phẩm cũng giúp các con hào hứng hơn trong các bữa ăn. Bữa ăn gia đình còn là cách để duy trì lửa trong gia đình”.
Với kinh nghiệm của mình, Minh Trang khẳng định: “Trẻ trên 5 tuổi hoàn toàn có thể có kiến thức để phân biệt thức ăn nào là tốt cho mình, thức ăn nào là không tốt. Phụ huynh có thể cùng con khám phá các loại thức ăn và cách thức đọc nhãn của các loại thực phẩm để cân nhắc và quyết định thực phẩm tốt và cần thiết cho sự phát triển của trẻ”.
Tọa đàm cũng thảo luận rất nhiều các chủ đề và trả lời các câu hỏi liên quan của phụ huynh về vấn đề làm sao để phân biệt nguồn gốc các loại thực phẩm, các nguyên nhân khiến trẻ lười ăn (nguyên nhân bệnh lý và không bệnh lý) và các bí quyết, “chiêu” khuyến khích con ăn đủ chất, đúng cách và tự ý thức và quyết định món ăn của mình; cách phòng chống bệnh táo bón...
Tọa đàm cũng cung cấp cho các bà mẹ những tài liệu về "Chiến dịch yêu thương từ nguồn dinh dưỡng" hay "bữa ăn thông thái ươm mầm tương lai", trong đó có những kiến thức về tháp dinh dưỡng, một số phương pháp cho trẻ ăn đúng cách hay những thông điệp như: "bữa ăn đủ chất và đúng cách là thể hiện tình thương và trách nhiệm dành cho trẻ" hay "Cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ còn là trách nhiệm của cộng đồng"...
Chị Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết: “Chúng tôi hy vọng Tọa đàm đã mang đến những kiến thức, kinh nghiệm và mẹo nhỏ bổ ích, giúp cha mẹ dần dần giải được “bài toán” khó về dinh dưỡng cho con, làm sao cho con ăn mà không cần phải dùng đến các biện pháp để ép con. Vẫn biết cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con, vậy cũng cần biết tốt như như thế nào cho hợp lý và đúng cách, vì lợi ích và sự phát triển tốt nhất của trẻ, và đặc biệt là ngăn chặn hành vi xâm hại đến quyền trẻ em”.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc