(VnMedia) - Đại biểu nêu lên một hiện tượng, đó là GDP các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột, “rất kỳ lạ" nên cử tri cho rằng nếu thống kê tốt không có nghi vấn gì thì tăng trưởng đã có những điểm nghẽn rất bất hợp lý...
Sáng nay (31/10), các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu lên một vấn đề, đó là số liệu tăng trưởng các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic thông thường.
Theo đó, các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột, “rất kỳ lạ.”
“Nếu quý IV năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý I năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề quý I năm 2017, giảm xuống còn 5,1%. Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở các quý cuối năm 2017, quý III đạt 7,46% và dự báo quý IV là 7,31%. Còn quý I năm 2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này không thì chưa rõ” - đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn chứng.
“Với số liệu trên, cử tri cho rằng nếu thống kê tốt không có nghi vấn gì thì tăng trưởng đã có những điểm nghẽn rất bất hợp lý, trái với logic thông thường nên đề nghị Chính phủ phải làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở quý 1/2018 và quý 1 các năm sau” - đại biểu Hàm kiến nghị.
Nợ công 4,2 triệu tỷ, cần ưu tiên giảm bội trả nợ
Cũng theo đại biểu Hàm thì hiện nay, bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm.
“Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7 đến 8 % tổng chi ngân sách nhà nước. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, xấp xỉ 1/2 số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm” - đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn chứng và đánh giá, khả năng trả nợ rất khó khăn.
“Ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đáo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ. Nợ công là thế nhưng nhiều năm nay tăng thu, tiết kiệm chi, chưa ưu tiên giảm bội trả nợ” - đại biểu Hàm tiếp tục nhấn mạnh và thêm rằng, tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên thực hiện giảm chi bộ máy không hiệu quả.
Đại biểu Hàm đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, cân nhắc khoản chi không thường xuyên, tăng thu tiết kiệm chi phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA…
Trong khi đó, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) thì nêu lên một thức tế nhức nhối, đó là không ít doanh nghiệp lợi dụng hoàn thuế của Nhà nước để trục lợi, nhiều hộ kinh doanh trong đó có cả hộ kinh doanh lớn khai thuế không trung thực, không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ để trốn thuế.
Theo đại biểu Thuật, chính sách cho doanh nghiệp tự in hóa đơn còn nhiều kẽ hở, chưa kiểm soát chặt chẽ số lượng hóa đơn do doanh nghiệp tự in và sử dụng. Tình trạng buôn bán hóa đơn xảy ra ở không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Cùng với đó, chính sách cho doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng kê khai thiếu trung thực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống buôn lậu, đã mang lên trước Quốc hội cả một túi to với nhiều cây thuốc lá mà ông mua được ở Châu Đốc trong tình trạng “gần 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong một lần gặp được các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát, nhưng tuyệt nhiên không gặp bất cứ lực lượng nào.”
"Thuốc lậu bán công khai ở khắp mọi nơi, ở các chợ như chợ Châu Đốc (An Giang), chợ Kiến Tường ở thị trấn Kiến Tường, chợ Tuyên Đốc ở thị trấn Thạnh Hóa (Long An), cho đến chợ Học Lạc nối tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có trưng bày hay không trưng bày, nhưng muốn mua thuốc lá gì cũng có" - đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nêu.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc