(VnMedia) - Trong giai đoạn 2011-2016, trong khi số biên chế chỉ tinh giản được hơn 2.000 người (0,83%) thì số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tăng gần 122.000 người (5,8%); số đơn vị hành chính trực thuộc tăng 28 đơn vị, dẫn đến tăng số lãnh đạo...
Sáng nay (30/10), Quốc hội đã nghe báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định, trưởng Đoàn giám sát về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Đáng chú ý nhất trong báo cáo này là những số liệu, con số cho thấy, chủ trương tinh giản biên chế đã không được thực hiện nghiêm, kết quả là biên chế không giảm mà lại tiếp tục tăng trong giai đoạn giám sát.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2016, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối. Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân; số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị (tăng 28 đơn vị), dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.
Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn là phổ biến (có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các Bộ, cơ quan ngang Bộ ở Trung ương); Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra, vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao; còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị của Bộ Chính trị. Cụ thể, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người, mới đạt 0,83%.
Đặc biệt, theo báo cáo giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn giám sát, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh.
Theo đó, năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có 1.114 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%), 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%) và 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 60,5%)).
Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh (năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%).
Trong khi đó, báo cáo nhận định, các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước đổi mới phương thức làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mang lại nhiều kết quả tốt nhưng thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà; trong xã hội vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch, công khai, sự quan liêu, cửa quyền trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Hợp nhất một số Bộ, cơ quan có nhiệm vụ tương đồng
Về giải pháp, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị, đối với Chính phủ, cần nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước;
Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng như mô hình tổ chức của các Bộ.
Đối với chính quyền địa phương, Đoàn giám sát kiến nghị, thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện… Rà soát lại tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư.
Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.
Đoàn giám sát cũng đề nghị một giải pháp là giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn (hết thời hạn thì đương nhiên chấm dứt). Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế;
Khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả; Đẩy mạnh việc xã hội hóa, mở rộng tự chủ của các đơn vị, hạn chế tối đa việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập tại những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư thành lập.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc