Băn khoăn vỡ hay nước tràn đê Bùi: Giải thích khoa học

10:10, 14/10/2017
|

Đê bị ngâm trong nước một ngày, một đêm lại gặp nước cao tràn đê dẫn tới bị xói mòn, gây sạt trượt là bình thường.

Hình ảnh đoạn đê dài 10m bị biến mất
Hình ảnh đoạn đê dài 10m bị biến mất

Chiều 13/10, trao đổi với phóng viên, ông Lê Trọng Khuê, Thành Ủy viên, Bí thư Huyện Ủy, Chương Mỹ đã lên tiếng giải thích lại về sự cố vỡ đê sông Bùi.

Theo ông Khuê, cốt đê sông Bùi 2 trong thiết kế là 7m, khi nước dâng lên cao hơn 7m, mức báo động 3 thì cần phải có phương án cho tràn theo thiết kế kỹ thuật. Điều này hoàn toàn nằm trong phương án dự tính, chỉ đạo điều hành của huyện.

"Khi được đặt vấn đề là đê Bùi bị vỡ, hàng nghìn hộ dân Chương Mỹ bị chìm trong bể nước. Tôi đã giải thích không có chuyện đó, mà do mưa lớn nước trên thượng nguồn đổ về khiến một số đoạn đê ở sông Bùi 2 Chương Mỹ bị tràn. Trong khi đó, lượng mưa vẫn đổ xuống không ngớt, đê bị ngâm trong nước một ngày, một đêm lại gặp nước cao tràn đê dẫn tới bị xói mòn, gây sạt trượt".

Ông Khuê nhấn mạnh, đê vỡ ai cũng có thể nhìn thấy, không phải lãnh đạo Chương Mỹ nói không vỡ là không vỡ được.

Liên quan tới sự cố trên, vào khoảng 6h sáng ngày 12/10, thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ - Lê Trung Hà khẳng định với báo chí, sự cố xảy ra lúc 6h sáng cùng ngày đoạn đê sông Bùi 2 vỡ dài khoảng 10m.

Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, nhiều nguồn tin dẫn lời Bí Thư huyện ủy Chương Mỹ (Hà Nội) - Lê Trọng Khuê lại lên tiếng phủ nhận sự cố trên.

Việc lãnh đạo Chương Mỹ mỗi người nói một kiểu càng khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn. Hơn nữa, đây là dự án được đầu tư rất nhiều tiền nhưng cũng mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng nay.

Trả lời băn khoăn trên, ông Khuê thẳng thắn: "Vấn đề chất lượng thi công là một vấn đề cần được xem xét ở góc độ khác. Lúc này tôi chỉ quan tâm tới việc giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ".

Về việc này, TS Đào Trọng Tứ cho biết thêm, vào mùa khô nước bị tích trên thượng nguồn, dưới hạ du không có mưa, hệ thống đê điều bị phơi khô rất lâu. Vì vậy, khi gặp phải trận mưa lũ lớn, lại bị ngâm trong nước nhiều ngày là nguyên nhân khiến hệ thống đê điều bị suy yếu, sạt, vỡ.

Một nguyên tắc cũng được vị chuyên gia cho biết, đối với hệ thống đê nhỏ, đặc biệt là đê bằng đất phải đảm bảo tuyệt đối không cho phép nước vượt đỉnh, tức là không cho phép nước tràn qua mặt đê vì nguy cơ vỡ đê là rất lớn.

Còn đối với những đập tràn, khi lũ lớn, nước vượt đỉnh phải cho nước tràn tự nhiên, thậm chí có thể phải đập vỡ một số đoạn bê tông để cho nước tràn vào các khu vực phân lũ, tránh vỡ toàn bộ hệ thống đê, gây thiệt hại nặng nề.

Đối với sông Bùi, TS Tứ cho rằng, giải thích của lãnh đạo Chương Mỹ có thể chấp nhận được trong trường hợp hệ thống đê sông Bùi có thiết kế tự tràn. Đê bị ngâm trong nước một ngày, một đêm lại gặp nước cao tràn đê dẫn tới bị xói mòn, gây sạt trượt.

(theo ĐV)


Ý kiến bạn đọc