Xuất phát từ việc người dân phản ánh về tình trạng nhiều hộ gia đình không xích mà để chó thả rông, không rọ mõm chạy ra đường gây nguy hiểm cho người đi đường, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh công cộng..., Chi cục Thú y TP.HCM đã thành lập Đội săn bắt chó thả rông để thu gom chó về nuôi nhốt tại địa chỉ 252, đường Lý Chính Thắng (quận 3).
Biệt đội này được trang bị xe tải chuyên dụng có lồng sắt, vợt sắt. Hằng ngày, từ 6h sáng đến 10h, gồm 7 nhân viên phụ trách đi trên các tuyến đường, con hẻm thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để gom chó thả rông.
Khi bị bắt, những chú chó này sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng và theo quy định, trong 72 giờ sau đó, chủ nhân của các chú chó này sẽ đến nhận lại và nộp phạt.
Nhân viên bắt chó thả rông nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mọi người. Tuy nhiên, ông Dương Thanh Đa – Đội trưởng Đội bắt chó thả rông - thuộc Chi cục Thú y TP.HCM chia sẻ: “Đây là công việc rất dễ mất lòng và dễ đụng chạm. Không ít trường hợp các nhân viên bị các chủ nuôi chó hành hung, gây thương tích, nhiều khi phải nén lòng cam chịu”.
Gần đây, một đoạn clip dài khoảng 2 phút về hình ảnh Đội săn bắt chó của Chi Cục Thú y TP.HCM đang thực hiện nhiệm vụ bắt chó thả rông nơi công cộng đã dấy lên những ý kiến trái chiều về công việc này.
Đa số ủng hộ việc làm này của Chi cục thú y TP.HCM vì đảm bảo an toàn giao thông, phòng tránh bệnh dại từ chó và ngăn chặn việc chó phóng uế nơi công cộng.
Anh Bùi Văn Thành (ngụ quận 3) đồng tình: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ biện pháp này. Chó, mèo thả rông đã gây ra biết bao tai nạn nguy hiểm. Thậm chí người lái xe gắn máy va phải chó chạy rông bị ngã xuống đường còn chấn thương dẫn tới tử vong”.
“Tôi rất bức xúc với những nhà nuôi chó nhưng thả rông ngoài đường, hoặc dắt chó không rọ mõm, cho chó đi bậy lung tung... Có những trường hợp, người đi đường bị chó chạy rông cắn, chủ nhà nhìn thấy cứ như không, cũng không một lời xin lỗi người ta” – chị Nguyễn Thị Xuân Mai (Q.Thủ Đức) bức xúc.
Tuy nhiên bên cạnh đó, những người nuôi chó lại không đồng tình với việc bắt chó theo cách này.
“Tôi không đồng ý chút nào về việc này. Bắt chó như vậy dễ làm chó bị thương và ảnh hưởng nặng đến tâm lý. Có thể thay đổi cách bắt chó nhẹ nhàng hơn. Đồng thời, ra sức tuyên truyền cho những người nuôi chó biết tác hại của việc để chó đi lang thang ngoài đường, nơi công cộng" - ông Phan Huỳnh (ngụ tại Q. Tân Bình) cho hay.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người tỏ ra bức xúc trước quy định “nếu chó bị bắt sau 72 giờ, chủ nhân không đến nộp phạt và nhận chó, chó sẽ bị tiêu hủy".
"Tại sao phải tiêu huỷ, giết chó nếu không có người đến nhận? Sao không phân loại, kiểm tra bệnh dại, nếu con nào khỏe mạnh thì chuyển sang cơ sở nuôi và bán chó để chuyển sang chủ mới thay vì giết, tiêu hủy? Tôi không nuôi chó nhưng nghĩ cách này mới hợp lý và nhân văn" – anh Võ Tân Tuấn bình luận.
Ông Dương Thanh Đa – Đội trưởng Đội bắt chó thả rông chia sẻ: “Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó. Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người (đặc biệt đối với trường hợp chó đã mắc bệnh dại), ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác”.
Theo Infonet
Ý kiến bạn đọc