(VnMedia) - Để có được những cây cầu bắc qua sông Hồng, theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng), Hà Nội dự kiến sẽ trả lại cho doanh nghiệp hàng nghìn ha đất ở chính những khu vực xung quanh các cây cầu đó, kể cả đất bãi sông Hồng...
Chiều 12/9, ông Vũ Duy Tuấn, PGĐ Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, thầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt thì trong giai đoạn 2016-2030 sẽ xây dựng mới 10 cây cầu qua sông Hồng gồm cầu Việt Trì – Ba Vì; cầu Vân Phúc; cầu Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Tứ Liên; cầu/hầm Trần Hưng Đạo; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu Ngọc Hồi; cầu Mễ Sở; cầu Phú Xuyên.Ngày hôm qua (12/9), Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông tin đến báo chí về việc xây dựng 5 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, trong đó có 4 cây cầu dự kiến sẽ được đầu tư theo hình thức BT và 1 cây cầu được đầu tư theo hình thức BOT.
Cùng với đó là 4 cây cầu qua sông Đuống gồm cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên và cầu Mai lâm.
Trong số đó, hiện nay UBND Thành phố đã chỉ đạo triển khai 5 cây cầu, bao gồm dự án xây dựng Cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; Cầu Đuống 2 và đường nối đến dịa phận tỉnh Bắc Ninh; hầm/cầu Trần Hưng Đạo; cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Theo ông Vũ Đức Tuấn, trong 5 cây cầu trên thì có Cầu Đuống được xây dựng theo hợp đồng BOT, 4 cây cầu còn lại đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).
Cụ thể, với cây cầu Tứ Liên, dự tính tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ với dự kiến đất thanh toán cho nhà đầu tư để đổi lấy cây cầu là khoảng 193 ha đất tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh) và Yên Thường, Yên Viên huyện Gia Lâm.
Hầm cầu Trần Hưng Đạo với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, sẽ được thanh toán từ quỹ đất tại xã Dương Xá (34ha); quỹ đất tại xã Đông Dư ( 78,4ha); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (320ha), quỹ đất bổ sung ngoài bãi Sông Hồng có khả năng khai thác trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch mở rộng tới sát mép nước là 135ha.
Dự án cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu có tổng vốn đầu tư dự kiến là khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ được bù đắp bằng một phần khu đô thị mới xã Dình Xuyên (Gia Lâm) và khu đất có diện tích 53,3ha thuộc ô quy hoạch ký hiệu 5-4 và 7-2 của phân khu N9 (số thứ tự 6 và 7).
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, có tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 2.466 tỷ đồng, sẽ được trả bằng quỹ đất đối ứng còn dư của Dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức hợp đồng BT, bao gồm: Khai thác quỹ đất 34ha tại xã Dương Xá; 78,4ha tại xã Đông Dư và quỹ đất tại các phường Long Biên, Cự Khối với quy mô khoảng 320ha, quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135ha ngoài bãi sông Hồng.
Theo giải thích của đại diện sở Kế hoạch – Đầu tư cũng như sở Giao thông Vận tải, thì việc xây các cây cầu nói trên là nhằm mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của các khu dân cư, khu đô thị trong khu vực; thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời giảm ùn tắc, tai nạn, giảm tải cho các cây cầu hiện hữu.
Điều mà các phóng viên báo chí quan tâm về các dự án BT nói trên, chính là việc minh bạch trong cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, tránh hiện tượng những cây cầu đó chủ yếu phục vụ trực tiếp cho chính những dự án của các chủ đầu tư (như dự án Ecopark được đổi 500ha đất để lấy con đường đi xuyên qua dự án này).
Đặc biệt, đó là khả năng giám sát việc các nhà đầu tư sử dụng các khu đất được hoàn trả ở chính các khu vực đầu cầu để xây dựng những khu đô thị, từ đó hút dân cư về khiến cho mục tiêu giảm tải các cây cầu hiện hữu không thực hiện được, thậm chí còn tiếp tục gây ách tắc hơn.
Trả lời câu hỏi của VnMedia về các vấn đề trên, cả Phó Giám đốc sở Kế hoạch – Đầu tư Vũ Duy Tuấn cũng như Phó Giám đốc Sở GTVT Ngô Mạnh Tuấn đều khẳng định, các khu đất dùng để đổi cho nhà đầu tư đều nằm trong quy hoạch và nhà đầu tư khi thực hiện dự án cũng phải tuân thủ quy hoạch phê duyệt về các yếu tố như giao thông, dân cư… Tất cả tuyến đường triển khai cũng phù hợp quy hoạch.
Ngoài ra, tất cả dự án như xây dựng khu nhà ở, Thành phố chỉ đạo quyết liệt. quan điểm xây dựng các hạ tầng giao thông đi trước một bước, sau đó mới đến dự án khác.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc