Đào tạo kỹ năng điều tra chống buôn bán động vật hoang dã

09:47, 07/09/2017
|
(VnMedia) - Hai mươi cán bộ thực thi pháp luật thuộc Bộ Công An đang tham gia khóa đào tạo “Kỹ năng điều tra chống buôn bán động vật hoang dã trái phép” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 8/9. 
 
Khóa đào tạo nhằm trang bị và câp nhật cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật các kỹ năng và phương pháp điều tra hiệu quả, nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách trong phát hiện tội phạm và truy tố thành công đối tượng vi phạm dựa trên việc thu thập bằng chứng. Khóa đào tạo do Bộ Công An phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) tổ chức, với nguồn tài trợ của Cục Đặc trách chất gây nghiện và thi hành pháp luật quốc tế (INL) thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Tập huấn điều tra buôn bán động vật hoang dã
Tập huấn điều tra buôn bán động vật hoang dã
Tình hình buôn bán và vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, quý hiểm tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Các đối tượng phạm tội đang hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn và không ngừng thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che dấu hành vi phạm tội trước các lực lượng chức năng. Thực trạng này đòi hỏi đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật phải liên tục được củng cố, nâng cao kỹ năng chuyên môn, phải được tiếp cận và có khả năng áp dụng các phương pháp và công nghệ hiện đại nhằm đấu tranh hiệu quả nhất với tội phạm động vật hoang dã. 
 
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Đỗ Tiến Thủy, Cục phó Cục tham mưu tác chiến, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động cho biết: “Bộ Công An rất coi trọng công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng điều tra cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Các khóa tập huấn kỹ năng như thế này giúp cán bộ có điều kiện trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như trau dồi kỹ năng, cập nhật thông tin, kiến thức để không bị tụt hậu trước các diễn biến và hoạt động phức tạp của tội phạm động vật hoang dã.” 
 
Tham dự khóa đào tạo là 20 học viên đại diện cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật đến từ các cục và đơn vị chuyên trách của Bộ Công An gồm Cục cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49), Cục cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74), Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động (K20), Cục đối ngoại (V12), và Công An Hà Nội. 
 
Trong bốn ngày tập huấn, học viên được củng cố các kỹ năng điều tra cơ bản như quản lý thông tin, giám sát và quản lý hiện trường, thu thập bằng chứng phục vụ điều tra sâu. Học viên còn được thực hành các các kỹ năng quan trọng như trinh sát trong điều kiện trang thiết bị và nguồn lực ở mức tối thiểu, vận chuyển có kiểm soát để theo dõi hành vi phạm tội, hay được trau dồi kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ra quyết định. 
 
Không dừng lại ở các bài giảng theo phương pháp truyển thống, 50% thời gian của khóa học được thiết kế để học viên có thể tiếp cận với tình huống thực tế, thực hành các kỹ năng cốt lõi và sử dụng trang thiết bị hiệu quả trong môi trường giả định. Toàn bộ nội dung lý thuyết và thực hành tập trung giải quyết các tình huống liên quan đến điều tra chống buôn bán động vật hoang dã. Giảng viên của khóa học là chuyên gia nước ngoài, ông Justin Douglas GOSLING với học vấn chuyên môn và bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật, điều tra hình sự, và xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm về động vật hoang dã. 
 
“Những khóa đào tạo như thế này thực sự hữu ích và cần thiết cho công việc của chúng tôi. Học kỹ năng kết hợp thực hành là phương pháp hiệu quả để cán bộ thực thi pháp luật phát huy tối ưu những gì được học vào công tác đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã trên thực tế ”. Chị Nguyễn Diệu Linh, Cục cảnh sát môi trường cho biết.
 
Khóa học thứ hai cũng sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9 năm 2017 với nội dung tương tự cho 20 học viên khác đến từ các đơn vị nói trên thuộc Bộ Công An. Để đảm bảo chất lượng đào tạo và thời gian thực hành cho học viên, WCS và Bộ Công An quyết định chia số lượng học viên tham gia vào hai khóa đào tạo này. 
 
Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc