Bất ngờ dự kiến phương án thi năm 2018

09:59, 04/09/2017
|

Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã tiến hành lấy ý kiến các trường ĐH-CĐ về dự kiến phương án thi năm 2018, trong đó, sẽ điều chỉnh phương án thi THPT quốc gia. 

Thí sinh có thể phải chịu sự điều chỉnh với phương án thi mới
Thí sinh có thể phải chịu sự điều chỉnh với phương án thi mới

Dự kiến này lập tức nhận phản hồi trái chiều trong ngành cũng như từ dư luận xã hội, khiến các em học sinh lớp 12 phân tâm. 

Lại thay đổi đột ngột?
 
Theo đó, Kỳ thi THPT quốc gia 2018, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, bài thi KHTN là tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; còn bài thi KHXH là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Tương tự như năm 2017, thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và/hoặc bài thi KHTN hoặc KHXH phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH-CĐ.
 
Tuy nhiên, điểm khác là, Bộ GD-ĐT đề nghị hiệu trưởng các trường trực tiếp cho ý kiến về việc tổ chức bài thi tổ hợp, chọn một trong 2 phương án. Cụ thể: phương án 1, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như  năm 2017); phương án 2, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017). Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn); hoặc 1 bài thi Văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu/điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức, hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh. Lý giải cho việc đưa ra phương án 2, theo Bộ GD-ĐT, là để việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.
 
Đây là điều khá bất ngờ, bởi kết thúc kỳ thi năm 2017, Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định kỳ thi năm 2017 là một kỳ thi thành công bởi thí sinh cảm thấy rất nhẹ nhàng, còn các trường xét tuyển thuận lợi (ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có 170/322 trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay). Hơn nữa, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần khẳng định, phương án thi năm 2017 sẽ được duy trì ổn định cho năm 2018, chỉ điều chỉnh một số mặt về kỹ thuật để phương án thi hoàn thiện hơn.  
 
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 mới đây, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cũng đề nghị tiếp tục duy trì phương án thi cho năm 2018 trên cơ sở hoàn thiện một số vấn đề về kỹ thuật; đồng thời cần được triển khai ngay từ đầu năm học mới để tỉnh chủ động triển khai đến giáo viên, học sinh.
 
Tránh gây khó cho thí sinh
 
Trước dự kiến phương án thi mới của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo một số trường đại học nêu ý kiến ủng hộ phương án 2 (mỗi bài thi tổ hợp KHTN, KHXH thành một bài thi tích hợp, chấm thành một đầu điểm), bởi như vậy sẽ góp phần khắc phục được tình trạng học tủ, học lệch để tiến tới đề thi tích hợp một cách khoa học, chính xác hơn. Việc tổ chức thi thành bài thi tích hợp sẽ giúp cho việc chấm thi dễ dàng hơn, không bị rời rạc như việc chấm bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017.
 
PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội và thầy Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc đều đồng ý với phương án thứ 2 khi cho rằng, việc tuyển chọn của các trường đại học có thể dựa vào điểm số của 1 môn trong số các môn thí sinh thi như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cộng thêm 1 bài thi tổ hợp.
 
Tuy nhiên, thầy Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, cho rằng nên giữ như phương án thi năm 2017. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp và Phó Giám đốc Học viện Công nghệ thông tin Lê Hữu Lập chung quan điểm, mọi thay đổi phải có lộ trình, không nên áp dụng đột ngột sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Ít nhất, phương án thi phải được công bố trước 1 năm và áp dụng cho năm sau để tạo điều kiện cho giáo viên, thí sinh trong việc học tập, ôn luyện.
 
Thầy Trần Văn Tớp phân tích thêm, thông thường, vào lớp 10 thì các em đã định hướng theo KHTN hay KHXH. Ví dụ, KHTN thì các em có thể chọn khối A (Toán - Lý - Hóa) hoặc khối B (Toán - Hóa - Sinh). Như vậy những em định hướng khối A thì năm lớp 10-11 đã không chú ý đầu tư cho môn Sinh, nên nếu thi và lấy điểm cho cả 3 môn thì các em sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học cũng khó xét tuyển. Ví dụ Trường ĐH Y Dược muốn chọn những em xuất sắc về môn Sinh thì điểm cả tổ hợp KHTN khó đánh giá được chính xác khi trộn 3 môn vào một điểm chung. 
 
Nhiều giáo viên THPT cũng bày tỏ sự lo ngại. “Cứ thay đổi như vậy sẽ rất khổ cho giáo viên và học sinh, các em cần được yên tâm để học tập”, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An cho biết. Ngoài ra, nhiều giáo viên THPT cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố việc đề thi năm 2018 có kiến thức lớp 11 hay không để giáo viên, học sinh chủ động ôn luyện. 
 
Dư luận xã hội bày tỏ sự khó hiểu, bởi cứ sau mỗi kỳ thi và xét tuyển ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT đều khẳng định là tốt đẹp, thành công, song năm sau lại tiếp tục thay đổi và cải tiến.
 
Không ít chuyên gia cho rằng, điều quan trọng mà Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không phải là việc tổ chức lại bài thi tổ hợp, mà là tiếp tục hoàn thiện khâu ra đề thi, chuẩn hóa ngân hàng đề thi để có khả năng đánh giá chính xác trình độ và phân loại thí sinh. Mọi thay đổi khác, nếu có, phải có lộ trình hợp lý để tránh gây sốc cho thí sinh.

(Theo Sài Gòn Giải phóng)


Ý kiến bạn đọc