Luật Đất đai 2013: Lo quản lý, "quên" mục tiêu hiệu quả sử dụng đất

16:49, 24/08/2017
|
(VnMedia) - Nhìn lại toàn bộ hệ thống pháp luật đất đai hiện hành được xây dựng trên nền tảng của Luật Đất đai 2013, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã đưa ra những nhận xét đặc biệt quan trọng, cho thấy có quá nhiều vấn đề trong việc tiếp cận đất đai.
 
Lo quản lý, "quên" mục tiêu hiệu quả sử dụng đất
 
Điểm đầu tiên mà GS Đặng Hùng Võ nêu bật lên, đó là Luật Đất đai 2013 lấy mục tiêu nâng cao hiệu lực của Nhà nước quyết định về đất đai và thực hiện quản lý nhà nước về đất đai làm chính chứ không lấy mục tiêu nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng đất làm chính; trong khi đó, chưa tạo dựng được tính độc lập tương đối giữa vai đại diện chủ sở hữu đất đai và vai người quản lý hành chính về đất.
 
Từ việc phân tích mục tiêu và hệ thống quản lý đó, GS Đặng Hùng Võ đã chỉ ra hệ quả tất yếu của Luật Đất đai 2013, với 3 điểm chính, đó là: Khó xây dựng thể chế kiểm soát tham nhũng; khó tạo đồng thuận xã hội khi Nhà nước quyết định về đất đai; nhiều chính sách xung đột với nhiều luật khác.
 
Ông Đặng Hùng Võ chỉ ra một số ví dụ như: Luật đất đai 2013 đã đưa ra cơ chế đổi mới để giải quyết dự án treo trên nguyên tắc nhà nước sẽ thu hồi cả đất đai và tài sản gắn liền đã đầu tư trên đất sau khi gia hạn 24 tháng thực hiện đối với các dự án rơi vào tình trạng treo. 
 
“Quy định này trái với Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư 2014 vì các văn bản quy phạm pháp luật này quy định Nhà nước cam kết bảo hộ tài sản của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư. Nhà nước chỉ có thể xử phạt chứ không thể tịch thu tài sản” - ông Võ nhấn  mạnh.
Ông Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra, ngay tại Luật Đất đai 2013 đã tồn tại một số quy định khó thực hiện. Ví dụ như, Luật đã đặt chính sách Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch dể đưa đất ra đấu giá nhằm ngăn ngừa tham nhũng, nhưng lại cho phép người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được thực hiện quyền “cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ đối với trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án. Và, cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa hướng dẫn được cơ chế thực hiện 2 quyền này khi Nhà nước thu  hồi đất.
 
Theo GS Đặng Hùng Võ, vấn đề khó khăn và phức tạp nhất được đặt ra ngay từ ngày đầu xây dựng hệ thống pháp luật đất đai ở Việt Nam chính là vận hành chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này khi đã loại bỏ khỏi luật toàn bộ Chương về thị trường quyền sử dụng đất.
 
“Chúng ta đã sử dụng cách thức vận hành quyền sử dụng đất trong cơ chế thị trường thay cho vận hành đất đai trong cơ chế thị trường, nhưng kể cả lý luận và thực tiễn đều chưa giải quyết được tận cùng của vấn đề. Từ đó, dẫn đến hệ quả là thiếu hiệu quả trong vốn hóa đất đai và phòng chống tham nhũng trong quản lý dất đai” - ông Võ nhận định.
 
Đối với cơ chế vốn hóa đất đai nói chung và vốn hóa đất công, tà sản công nói riêng, ông Đặng Hùng Võ đánh giá, Luật đã chưa xem xét kỹ lưỡng, chưa có những quy định hợp lý trong phân chia giá trị đất đai từ vốn hóa. 
 
“Ngay từ năm 2003, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã bị loại bỏ do cơ chế này chứa đựng nhiều nguy cơ tham nhũng, một phần giá trị đất công được chia sẻ phi lý vào túi riêng của tư nhân. Vậy nhưng, đến 2013, Luật Đất đai vẫn thừa nhận hình thức này dưới dạng các dự án BT (xây dựng, chuyển giao), trong đó Nhà nước trả cho nhà đầu tư bằng đất mà không có một quy định nào về xác định giá trị đất đai đem “đánh đổi” cũng như giá trị hạ tầng được xây dựng” - ông Đặng Hùng Võ nêu ví dụ.
 
“Hay như chúng ta mới chỉ đưa ra quy định nguyên tắc là Nhà nước điều tiết lại giá trị tăng thêm từ đất không phải do chủ sử dụng đất đầu tư mang lại nhằm khắc phục tình trạng Nhà nước bỏ tiền làm đường, mở rộng đường, trong khi có những người mất hết đất để làm đường, thì lại có người được giáp mặt đường mới thu giá trị đất đai tăng lên vài chục lần” - ông Võ nêu tiếp.
 
Chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác
 
Điểm bất cập thứ 5, đó là việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế cả nông nghiệp, phi nông nghiệp đều chưa được quy định cụ thể, chỉ mang tính “cơi nới” chính sách, chưa tạo được cơ sở pháp lý ổn định để giải phóng sức phát triển từ nguồn lực đất đai.
 
Một điểm hết sức quan trọng, theo ông Võ, đó là vấn đề chuyển dịch đất đai để thực hiện các dự án đầu tư. Trong khi Luật Đất đai 2013 khuyến khích cơ chế chuyển dịch đất đai theo thị trường dựa trên sự thương thảo đồng thuận giữa chủ đầu tư dự án và những người đang sử dụng đất thì ngược lại, Luật Đất đai 2013 lại quy định áp dụng cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc theo quy hoạch sử dụng đất, Nhà nước quyết định thu hồi đất ngay sau khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt để đưa đất ra bán đấu giá.
 
“Đây là hai trạng thái cực đoan đều có nhược điểm khó vượt qua. Ở các nước công nghiệp, người ta không sử dụng các trạng thái cực đoan như vậy mà họ đưa ra cơ chế chuyển dịch đất đai có phần bắt buộc và có phần tự nguyên, trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích hợp lý và công khai từ dự án đầu tư”. - ông Đặng Hùng Võ dẫn chứng và cho biết, “Các tổ chức quốc tế đã nhiều lần kiến nghị nước ta áp dụng cách thức chuyển dịch đất đai như vậy nhưng vẫn chưa được tiếp nhận”.
 
Cuối cùng, về hệ thống tài chính đất đai, bao gồm định giá đất và thuế đất, theo ông Đặng Hùng Võ, vẫn “chưa đạt được trạng thái cần thiết của chuẩn mực quản lý phù hợp”. 
 
“Quyết định giá đất của cơ quan hành chính là thiếu độc lập và khách quan. Hệ thống thuế về đất đai quá lạc hậu, làm cho nguồn thu từ đất quá nhỏ bé so với nhu cầu bảo vệ lợi ích của toàn dân về đất đai” - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh và thêm rằng, hệ thống thuế về đất đai hiện hành đang là nguyên nhân chính làm cho ngân sách phải chi quá nhiều cho đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng mà mọi người sử dụng lại không phải trả bất kỳ một chi phí nào.
 
Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc