(VnMedia) - Sân chơi cộng đồng tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai được tạo dựng từ một khu đất nằm giữa các khối nhà tập thể, để trống từ hơn 20 năm qua.
Khu dân cư tại đây đã từng từ chối một dự án xây dựng nhà văn hóa để giữ khu đất trống hiếm hoi này cho các hoạt động công cộng ngoài trời. Thời gian gần đây sân chung đã được láng bê tông và được nhân dân tạm sử dùng làm nơi tập thể dục, thể thao.
Mới đây, Tổ chức HealthBridge Việt Nam (HBV), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (HISEDS) và doanh nghiệp xã hội Sân chơi trong phố - Think Playgrounds (TPG) đã cùng hỗ trợ UBND phường Mai Động và cộng đồng dân cư địa phương phát triển khu đất trống này trở thành một sân chơi cộng đồng.
Quá trình thiết kế, xây dựng sân chơi được bắt đầu từ cuối tháng 5/2017. Sau 4 cuộc họp, trong đó có 2 buổi trình bày thiết kế với sự tham gia góp ý của đại diện phường, mặt trận tổ quốc và các thành viên của tổ dân phố khu 5, một bản thiết kế thể hiện tầm nhìn và nhu cầu của người dân đã được lập ra.
Khác với các thiết kế đề xuất ban đầu của TPG mong muốn tạo dựng một sân chơi dành cho trẻ em, sân chơi tại phường Mai Động cuối cùng đã được hoàn thành như một không gian công cộng dành cho mọi người khi có đủ các khu vực và thiết bị cho mọi lứa tuổi từ thiếu nhi, thanh niên tới người cao tuổi.
Trẻ em dưới 5 tuổi có các thiết bị chơi như thú nhún, trẻ em từ 5-12 tuổi có xích đu, cầu trượt, thanh niên có xà, bóng rổ và người cao tuổi có ghế ngồi nghỉ ngơi và chơi cờ. Ngoài ra, thiết kế của các thiết bị chơi đã tham khảo, cách điệu những thiết kế truyền thống của địa phương và dân tộc khi tạo hình hệ leo trèo, cầu trượt phỏng theo thiết kế đình làng và tranh vẽ trên tường đã tái hiện hình ảnh lễ hội đấu vật làng Tam Trinh.
Trong quá trình thiết kế và lắp đặt các thiết bị của sân chơi, những nhu cầu khác nhau của người dân được thương lượng thông qua sự bàn bạc và thống nhất giữa các bên.
Mặc dù có thêm sân chơi nằm giữa khu dân cư là có nhiều lợi ích cho cộng đồng, tuy nhiên cũng đồng nghĩa với một vài thách thức như tiếng ồn của trẻ em gây ra khi chơi và việc sử dụng khu đất trống cho mục đích cá nhân của các gia đình gần kề như để xe máy, ô tô sẽ không còn như trước.
Nhưng các khó khăn đã được giải quyết khi mọi người cùng đặt lợi ích chung lên hàng đầu, đặc biệt là lợi ích cho trẻ em và người cao tuổi. Thành công hơn nữa khi đã có gia đình chủ động tặng thêm thiết bị tập thể dục, nhân dân khu vực đóng góp thêm tiền láng xi măng những chỗ đọng nước và gần đây nhất, một hộ gia đình đã trồng thêm một cây sấu để tạo bóng mát.
Giữa tuần qua, sân chơi này đã được khánh thành trong niềm vui pha lẫn sự tự hào của những người dân trong khu vực cũng như những con người, những tổ chức đã dành tâm huyết, sức lực của mình mang đến những sân chơi nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như thế này.
Sân chơi phường Mai Động là ví dụ điển hình cho sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, nghề nghề nghiệp trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp địa phương đã cùng cộng đồng tạo dựng thành công một không gian công cộng.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, cũng chính doanh nghiệp xã hội Sân chơi trong phố nói trên và tổ chức Health Bridge đã phối hợp với chính quyền phường Chương Dương xây dựng được một sân chơi công cộng cho trẻ em trong khoảng không gian giữa các tòa nhà cũ kỹ, nơi vốn dành cho việc để xe máy.
Trong vài năm trở lại đây, những sân chơi Chương Dương, Mai Động, Ngọc Khánh, Phương Mai, bãi giữa sông Hồng... cứ dần hiện diện, thay thế cho những khoảng trống vô nghĩa hay những bãi xe, quán hàng nhếch nhác, xô bồ đã và đang mang lại cho Hà Nội một giá trị khác nhân vân hơn, đáng sống hơn.
Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu sân chơi trầm trọng thì tại các khu dân cư, các khu tập thể, vẫn còn rất, rất nhiều khu đất bị bỏ trống, là nơi đổ rác, phế thải hay thậm chí, nhiều nơi vốn là sân chơi thì nay lại là bãi giữ xe, nơi bán hàng, quán... vẫn chưa được chính quyền và người dân "chuyển hoá" thành những sân chơi có ý nghĩa.
“Chúng tôi hy vọng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, câu chuyện về tạo dựng sân chơi cộng đồng tại phường Mai Động hay Chương Dương sẽ tạo cảm hứng cho các địa phương phát triển thêm những không gian công cộng cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi” - chị Kim Đức, phụ trách doanh nghiệp xã hội “Sân chơi trong phố - Think Playgrounds” đã chia sẻ.
Trong khi đó, chị Trần Kiều Thanh Hà, đại diện tổ chức HealthBridge cũng cho biết, tổ chức này luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển không gian công cộng để có nhiều hơn nữa những thành phố của Việt Nam trở thành những thành phố đáng sống.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc