(VnMedia) - Bí thư thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các quận, huyện huy động cả lực lượng vũ trang vào chống sốt xuất huyết…
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngày 10/8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn quận Hoàng Mai – một quận có số ca mắc SXH cao nhất trên toàn thành phố, với 400 ổ dịch.
Tại quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra thực tế ở công trường xây dựng số 82, phường Thịnh Liệt. Tại công trường có nhiều nơi đọng nước không được vệ sinh đảm bảo, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng phát triển, là nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh SXH.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, tình hình bệnh SXH trên địa bàn quận diễn biến phức tạp. Cộng dồn số người mắc SXH trên địa bàn từ đầu năm 2017 đến ngày 9/8 đã có 2.483 người mắc, số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở Y tế là 315 bệnh nhân; có 400 ổ dịch, 84 ổ đang hoạt động tại 14 phường.
Nguyên nhân trên địa bàn Hoàng Mai có số người mắc SXH cao, theo ông Nguyễn Quang Hiếu, là do đây vùng trũng, hệ thống thoát nước của Thành phố đều đi qua địa bàn. Bên cạnh đó, Quận có nhiều công trình xây dựng, nhiều trường đại học, cao đẳng, bến xe, đất trống nhiều.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, SXH năm nay diễn biến hết sức bất thường. Hà Nội đã đứng thứ 2 cả nước về số ca mắc SXH, nhưng với tốc độ mắc bệnh như hiện nay thì chỉ vài tuần tới Hà Nội sẽ đứng đầu cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Hà Nội quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống SXH, huy động tất cả các ngành, các cấp tham gia ngăn chặn. Đặc biệt, phải kêu gọi mọi công dân Thủ đô phối hợp với các cơ quan chuyên môn để phòng, chống SXH.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định, có thể thời điểm bây giờ vẫn chưa lên đến đỉnh dịch SXH bởi mọi năm đỉnh dịch thường vào tháng 11.
Vì vậy, Bí thư đề nghị các quận, huyện huy động cả lực lượng vũ trang vào chống sốt xuất huyết. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế của Thành phố đang quá tải phải có sự điều hành hết sức khoa học, rà soát, phân luồng khám chữa bệnh, phân loại bệnh nhân để giảm quá tải ở tuyến trên, bệnh nhân nhẹ chuyển về cơ sở y tế xã phường, có hỗ trợ chuyên môn từ bệnh viện.
Hà Nội đã có gần 14.000 ca mắc
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp với Bộ Y tế lúc cuối giờ chiều nay (10/8), tính đến 09/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 mắc/5 tử vong tại Hoàng Mai (2); Đống Đa (1); Ba Đình (1); Hà Đông (1). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 QH, 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường);
Hiện tại còn 366 phường (chiếm 63% tổng số XP) ghi nhận bệnh nhân mắc chưa qua 14 ngày; số mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2016 (581/0) do dịch đến sớm hơn 3 tháng. Số bệnh nhân đang còn phải điều trị tại BV là 1.673 trường hợp (12% tổng số BN), còn lại đều đã khỏi bệnh. Typ vi rút lưu hành: D1, D2, D4.
10 QH có số mắc cao nhất là Đống Đa (2.548/1); Hoàng Mai (2.483/2); Hai Bà Trưng (1.252); Thanh Xuân (1.077); Hà Đông (841/1); Cầu Giấy (829); Thanh Trì (753); Ba Đình (711/1); Nam Từ Liêm (499); Thanh Oai (454).
Tính đến 09/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 1.538 ổ dịch tại 25/30 QH, 241/584 XP. Tổng số BN trong ổ dịch là 3.580 BN (chiếm 25.6% tổng số BN); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, chỉ trong vòng 20 ngày trở lại đây, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến. Riêng bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mỗi ngày tiếp đón cả nghìn bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết.
Về nguyên nhân, ông Khuê nhấn mạnh, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch (tại Hà Nội, 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất).
Tác nhân gây bệnh là vi rút Dengue có 4 týp là D1, D2, D3, D4; các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai týp gây bệnh là D1 và D2, hiện nay đã phát hiện thêm týp D4 vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
Ông Khuê dự báo, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc tơ phát triển.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc