(VnMedia) - Thêm hai bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu đã được nhập Viện Da liễu Trung ương, trong đó có một bé mới 6,5 tháng tuổi.
Như vậy, cho đến nay, tổng số đã có 41 bệnh nhi ở Hưng Yên bị mắc bệnh sùi mào gà đến điều trị tại bệnh viện Da liễu Trung ương, trong đó 39 cháu đều ở huyện Khoái Châu.
Trao đổi với VnMedia, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, trưởng khoa phẫu thuật – tạo hình – thẩm mỹ (bệnh viện da liễu Trung ương) cho biết, chiều qua (18/7), có thêm 2 bệnh nhi đều đến từ Khoái Châu, Hưng Yên đã nhập viện với các triệu chứng của bệnh sùi mào gà, một bé 21 tháng tuổi và một bé mới 6,5 tháng tuổi. Đây cũng là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất của đợt này.
Các bé này đều phát bệnh sau khi làm thủ thuật cắt bao quy đầu tại phòng khám của bà Hoàng Thị Hiền mà VnMedia đã nêu.
Theo BS Sơn, hai bé mới nhập viện đều bị tổn thương nhiều so với các trẻ khác, gây khó khăn cho việc điều trị của các bác sĩ. Các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn với lãnh đạo của bệnh viện và đưa ra phác đồ điều trị. Theo đó, bệnh nhân 21 tháng tuổi sẽ tiến hành gây mê tại bệnh viện và đốt laze.
“Còn bệnh nhân 6,5 tháng tuổi, chúng tôi đã xin hội chẩn với bệnh viện Nhi trung ương để phối hợp điều trị do để điều trị được cho bệnh nhi này thì phải tiến hành gây mê vô cảm cho bệnh nhân tốt. Trẻ nhỏ do không hợp tác được với bác sĩ nên rất khó khăn trong việc tiến hành điều trị” – Bs Sơn thông tin.
Theo BS Sơn, việc biểu hiện tổn thương nhiều hay ít này không liên quan nhiều đến thời gian ủ bệnh, cũng như không liên quan đến việc trẻ có nguy cơ ung thư cao hay thấp. Nguy cơ này phụ thuộc vào chủng virus mà trẻ bị nhiễm.
Cũng theo BS Sơn, bệnh viện đã xét nghiệm định tuýp (tổng thể có hơn 100 tuýp) để xác định tuýp mà bệnh nhân nhiễm phải, từ đó sẽ tư vấn cho gia đình bệnh nhân có hình thức tái khám, giám sát sau điều trị chặt chẽ hơn. “Ví dụ với bệnh nhân nhiễm phải chủng virus có nguy cơ ung thư cao thì phải thường xuyên tới khám hơn” – BS Sơn nói và cho biết thêm, có thể ngày mai sẽ có kết quả xét nghiệm định tuýp này.
Quá trình thăm khám bệnh nhân, khai thác tiền sử khám chữa bệnh cho thấy, đại đa số các phụ huynh truyền tai nhau rằng trẻ có hẹp bao quy đầu thì đi điều trị ở cơ sở của bà Hiền.
“Trước đây chúng tôi thỉnh thoảng cũng có gặp những ca rải rác, nhưng gần đây mới có sự đột biến, bùng phát nên chúng tôi nghi vấn, điều tra xem có vấn đề gì và phát hiện hầu hết trẻ đều đến từ Hưng Yên. Sau đó, chúng tôi tiến hành tìm hiểu, thống kê và báo cáo”.
Thông thường, những ca bệnh rải rác với biểu hiện bệnh là có vài nốt nhỏ thì các bác sĩ xử lý đơn giản và cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, đợt này có một số trẻ có tổn thương nặng đã phải nằm điều trị dài ngày tại viện.
Về độ tuổi của các bệnh nhi, BS Sơn cũng cho biết, trong 39 trường hợp ở huyện Khoái Châu thì sinh năm 2009, 2010, 2011 mỗi năm có 1 ca, sinh năm 2010 có 1 ca, sinh năm 2011 có 1 ca, sinh năm 2012 có 1 ca, sinh năm 2013 có 2 ca, sinh năm 2014 có 6 ca, sinh năm 2015 có 9 ca, sinh năm 2016 có 16 ca và sinh năm 2017 có 2 ca.
Điều mà các bác sĩ lưu ý nhất, đó là việc giữ gìn vệ sinh và tránh lây nhiễm từ các bé có bệnh với các thành viên trong gia đình, lớp học…
"Bà Hiền dùng kéo để... cắt nốt sùi mào gà"
Tìm đến phòng bệnh, phóng viên được biết cháu bé 6,5 tháng tuổi đang được gia đình đưa đi khám tai - mũi - họng để chuẩn bị cho việc gây mê, đốt laze vào ngày mai.
Trao đổi với VnMedia, bác của cháu bé 21 tháng tuổi cho biết, gia đình phát hiện cháu có đọng cặn trắng ở bộ phận sinh dục nên đã đến cơ sở nhà bà Hiền để tiến hành làm thủ thuật từ hồi tháng Giêng. Chi phí cho lần cắt bao quy đầu này là 1,2 triệu đồng.
Sau đó khoảng 2 tháng, gia đình phát hiện tại bộ phận sinh dục của cháu bé có nổi những mụn nhỏ và lan nhanh. Mẹ cháu bé lúc này đã đưa con đến nhà bà Hiền để khám lại thì được bà này dùng kéo để... cắt những nốt sùi mào gà khiến cháu bé rất đau đớn, la khóc. Chi phí cho lần điều trị này là 1,6 triệu đồng.
Bà Hiền khuyên gia đình đưa cháu về nhà để chăm sóc, làm vệ sinh, bôi thuốc mỡ…
Tuy nhiên, việc điều trị này không hiệu quả, gia đình tiếp tục đưa cháu đến khám tại phòng khám của công ty (giấu tên). Nhân viên y tế tại công ty này tiếp tục chẩn đoán cháu bị viêm nhiễm do vệ sinh kém nên khuyên về nhà rửa bằng nước chè xanh. Thấy cách điều trị này không ăn thua, gia đình lại đưa con đi khám tại bệnh viện tỉnh thì tại đây, bác sĩ cũng không biết cháu mắc bệnh gì.
Chỉ đến khi bệnh cháu nặng hơn, dương vật sưng tấy phù nề nặng, cháu kêu đau đớn, gia đình mới đưa cháu đến khám tại bệnh viện Da liễu Trung ương và quá bất ngờ khi biết con mắc loại bệnh mà “cả gia đình, họ hàng, làng xóm đều không có ai mắc”.
Ở giường bên cạnh, một cháu bé khoảng 3 tuổi đang được bố mẹ thay băng kêu khóc thảm thiết vì đau đớn. Bố mẹ cháu cho biết, khi thấy con có hiện tượng “bã đậu” trắng ở đầu dương vật, anh chị đã đưa con đến nhà bà Hiền để làm thủ thuật cắt bao quy đầu.
“Trước đó, một cháu con anh trai tôi cũng đã làm ở nhà bà Hiền cách đây hơn 1 năm rồi, thấy không sao nên tôi lại đưa con đến. Chúng tôi không ngờ con mình lại bị lây loại bệnh này” - mẹ cháu bé sụt sùi kể.
Cháu bé này vào viện đã được 1 tuần và hiện chưa biết sẽ phải điều trị thêm trong thời gian bao lâu.
Hoàng Hải (bài, ảnh)
Ý kiến bạn đọc