(VnMedia) - Giai đoạn từ 1980 – 1990, trung bình mỗi năm ghi nhận 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đó có 300-400 trường hợp tử vong (0,08-0,09%). Có năm, bùng phát với số mắc trên 300.000 trường hợp (năm 1987), và có năm trên 1.500 trường hợp tử vong (năm 1983, 1987).
Đây là thông tin được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra sáng 26/7.
Theo GS Trần Đắc Phu, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 týp bệnh khác nhau. Một người mắc sốt xuất huyết týp nào thì sẽ miễn dịch suốt đời với loại virus đó, nhưng vẫn có thể mắc sốt xuất huyết lần thứ hai, thứ ba… với các týp còn lại.
Làm rõ hơn về chủng loại virus, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, giám sát virus học cho thấy, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ trước đến nay vẫn chỉ có 4 loại virus luân phiên nhau lưu hành là D1, D2, D3, D4, chưa có ghi nhận nào về biến đổi gen, chưa xuất hiện một chủng nào mới.
Năm nay toàn miền Bắc týp D1 chiếm trên 70%. Hà Nội đặc biệt xuất hiện cùng lúc 3 chủng, nhiều nhất là D1 (gần 71%) và D2, D4, chưa xuất hiện D3 (chỉ có 1-2 trường hợp ở Nghệ An).
Phun thuốc diệt muỗi chỉ là cú "nốc ao" tạm thời
Về tin đồn hoá chất làm cho muỗi “kháng” thuốc, chỉ say chứ không chết…, PGS Trần Như Dương cho biết, thực tế, việc phun thuốc chỉ có tác dụng nhất thời với những con muỗi trưởng thành, chết ngay lúc đó mà ông gọi là "nốc ao", nhưng đây là phun sương chứ không phải phun lên tường như diệt muỗi sốt rét nên không có tác dụng lâu dài.
"Chỉ có diệt loăng quăng thường xuyên liên tục, hàng ngày thì mới lâu dài. Nếu không, ngày hôm sau loăng quăng nở ra thành muỗi thì lại tưởng là thuốc “rởm” - PGS Dương giải thích rõ.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh: "Người dân phải trở thành chủ thể, là chiến sĩ, mỗi gia đình phải là pháo đài chống sốt xuất huyết, chứ không thể trông chờ vào cách làm theo kiểu kỳ cuộc. Một cái nắp bia, một cái lá khô cũng thành ổ bọ gậy sẽ nở ra hàng trăm con. Chỉ cần một gia đình không cho phun thuốc, không giữ gìn vệ sinh… thì sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực. Không có người dân sẽ không thành công. Cán bộ y tế chỉ đến kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc".
"Phòng chống bệnh dịch này, chúng ta phải phải có trách nhiệm chung, phải vận động cộng đồng, không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết, nhưng làm sao để không có bọ gậy là vấn đề quan trọng" - PGS Dương nhấn mạnh.
Về phòng bệnh thì GS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, hiện nay vắc xin phòng sốt xuất huyết vẫn đang thử nghiệm, thế giới chưa khuyến cáo triển khai đồng bộ.
Đối với việc điều trị bệnh, GS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo, khi phát hiện sốt phải rất lưu ý vì sốt có rất nhiều nguyên nhân, khi chưa loại trừ sốt xuất huyết thì không được uống các loại có corticoit, apspirin, kháng sinh mà nên uống paracetamon, uống đủ nước, cung cấp đủ dinh dưỡng… nếu không ăn được thì uống nước cơm... Nếu có bất kỳ dấu hiệu nặng nào, cần đưa ngay đến bệnh viện.
Việt Nam từng có "đại dịch sốt xuất huyết" khiến 1.500 người tử vong
Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc/100.000 dân là 56,7 – thấp hơn một số nước và tỷ lệ tử vong là 0,012, thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung.
Giai đoạn từ 1980 – 1990, trung bình mỗi năm ghi nhận 100.000 trường hợp mắc, trong đó đó có 300-400 trường hợp tử vong (0,08-0,09%). Có năm, bùng phát với số mắc trên 300.000 trường hợp (năm 1987), trên 1.500 trường hợp tử vong (năm 1983, 1987).
Trao đổi với VnMedia, GS Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay, do áp dụng các kỹ thuật cao, liên tục cập nhật phác đồ của các nước trên thế giới, thường xuyên rút kinh nghiệm trên từng ca bệnh… nên đã giúp cho việc điều trị sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao. Giai đoạn 2000-2015, (giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia), tình hình dịch đã giảm, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc với gần 100 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp giữa người sang người. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc các đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa…, không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20 độ C. |
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc