(VnMedia) -
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ diện tích cây xanh chỉ đạt khoảng 2m2/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới...
Đây là nhận định được đưa ra tại Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Cây xanh giúp giảm bụi, hấp thụ bức xạ mặt trời, giảm tiêu thụ năng lượng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cây xanh đô thị đóng một vai trò rất quan trọng trong việc mang lại lợi ích cho con người, xã hội và môi trường trong đô thị. Cây xanh đô thị có tác dụng hấp thụ bức xạ nhiệt của mặt trời, làm giảm các “đảo nhiệt”; hấp thụ CO2 và các khí độc hại trong môi trường, tạo ra các không gian xanh nhằm duy trì cảnh quan xanh cho thành phố.
Không gian xanh đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho cá nhân riêng rẽ mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị.
Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3 độ C đến 3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20% đến 50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm đi 17% đến 57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40% đến 50% cường độ bức xạ mặt trời.
Đặc biệt, cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30 - 60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m² cây xanh hoặc 25m² thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 1/10 tiêu chuẩn thế giới
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định; diện tích, mặt nước (sông, hồ) bị giảm xuống đáng kể.
Cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.
So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới
Ví dụ, theo quy hoạch công viên cây xanh Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m2/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m²/người, còn khu vực ngoại thành là 12m²/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng trên địa bàn hiện chưa đạt 2m2/ người, thấp hơn so với tiêu chuẩn quy định. Ghi nhận cho thấy, nhiều quận khu vực trung tâm thành phố có mật độ dân cư cao nhưng thiếu công viên cây xanh như quận 4, quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân...
Tại quận Bình Tân, quy hoạch quận này có công viên tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47ha, tuy nhiên đến nay công viên này vẫn chưa được xây dựng. Còn tại quận Gò Vấp, Công viên văn hóa Gò Vấp rộng 37ha đã được quy hoạch từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Ngay cả huyện Củ Chi - có quỹ đất lớn - dự án Công viên Sài Gòn Safari cũng không được triển khai trong hơn chục năm qua.
Trong những năm qua, nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, qua thực tế, các khu đô thị mới còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên… Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo, các đô thị cần phải đảm bảo duy trì diện tích cây xanh đô thị, đáp ứng tỷ lệ theo tiêu chuẩn đô thị tương ứng.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc