(VnMedia) - Sau thịt heo và rau, sắp tới đây, người dân tại TP.HCM có thể sử dụng smartphone hay tablet để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm là thịt và trứng gia cầm.
Chiều 18/7, Cổng thông tin điện tử Văn phòng UBND TP.HCM chính thức đăng tải bản tin cho hay, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án Quản lý và truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm và Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm thuộc dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các đề án này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh trứng gia cầm đạt chuẩn thực phẩm an toàn, VietGAP; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong việc thực hiện, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm; làm tiền đề giúp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, thiếu an toàn…
Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, kinh doanh gia cầm và thịt gia cầm tươi sống đăng ký tham gia Đề án trên cơ sở tự nguyện và phải được sự chấp thuận của Ban Quản lý Đề án.
Đối tượng tham gia là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có năng lực chuyên môn, có chức năng sản xuất, kinh doanh đúng ngành nghề, lĩnh vực theo yêu cầu của Đề án; đăng ký tham gia Đề án với Sở Công thương, kê khai năng lực chăn nuôi, sản xuất, khả năng cung ứng, phân phối và cam kết cung ứng đúng, đủ số lượng, đúng chủng loại hàng hóa đã đăng ký, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm.
TP.HCM sẽ ưu tiên xét chọn những đối tượng có năng lực, kinh nghiệm, có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực hoạt động, tích cực đăng ký tham gia và chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đề án cũng như ưu tiên các đối tượng thực hiện chăn nuôi, phân phối thịt gia cầm tươi sống đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực phẩm an toàn.
Theo nguồn tin của VnMedia, thời gian triển khai chính thức đề án là từ ngày 1/9, và ứng dụng TE-FOOD trước đây dành cho việc "soi" thịt heo cũng sẽ được triển khai cho việc truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm.
Trước đó, từ ngày 16/12/2016, Sở Công thương TP.HCM chính thức vận hành đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua ứng dụng di động TE-FOOD (tải về miễn phí từ App Store hay Play Store). Theo đó, tại các quầy hàng, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone được cài sẵn ứng dụng TE-FOOD để truy xuất thông tin “nguồn gốc” về miếng thịt như trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ đầu mối, chủ sạp, chợ bán lẻ, tiểu thương…; hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng được các siêu thị, điểm kinh doanh cung cấp. Ngoài ra, ứng dụng TE-FOOD còn có thêm tính năng “gợi ý” các địa điểm bán thịt heo sạch ở khu vực lân cận bằng bản đồ theo chế độ thời gian thực. Đến giữa tháng 1/2017, Sở NN&PTNT TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình cho phép người tiêu dùng tại Thành phố sử dụng smartphone để truy xuất "nguồn gốc" nhiều sản phẩm rau của hai hợp tác xã Phú Lộc và Phước An bán ra thị trường. Khi tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc rau, nông dân ở hai HTX Phú Lộc và Phước An sẽ phải nhập thông tin về chủng loại, nhật ký canh tác (ngày giờ bón phân, thu hoạch…), sơ chế, đóng gói… Các loại rau tham gia truy xuất nguồn gốc này là cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, cải thìa, mồng tơi, rau mát, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang, cần nước… Sản phẩm trước khi ra thị trường sẽ dán tem có mã QR để người mua có thể dùng điện thoại kiểm tra. Khác với việc truy xuất thịt heo (phải tải ứng dụng TE-FOOD riêng của Sở Công thương TP.HCM), thì khi truy xuất nguồn gốc rau, người mua chỉ cần dùng ứng dụng đọc mã QR hay ứng dụng Zalo để quét lên những con tem dán trên sản phẩm rau được bao gói. Từ đó, người tiêu dùng có thể biết được thông tin về nguồn gốc của sản phẩm, quá trình canh tác ở nông trại, quá trình vận chuyển, sơ chế, đóng gói sản phẩm đến khi sản phẩm được bày bán ở siêu thị. |
Thiên Uy
Ý kiến bạn đọc