Sẽ có 1.931 dịch vụ được điều chỉnh giá, mức điều chỉnh tăng chủ yếu ở khoảng 20 - 30% dịch vụ, một số ít tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Thông tư 02 - TT/BYT do Bộ Y tế ban hành quy định điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT), áp dụng với các bệnh nhân tự chi trả, chưa có thẻ BHYT sẽ có hiệu lực áp dụng từ 1.8 tới, tại các cơ sở KCB công của Hà Nội. Theo đó, các dịch vụ KCB điều chỉnh gồm: giá dịch vụ KCB; dịch vụ ngày giường; các kỹ thuật, xét nghiệm.
Theo thông tư này, sẽ có 1.931 dịch vụ được điều chỉnh giá, mức điều chỉnh tăng chủ yếu ở khoảng 20 - 30% dịch vụ, một số ít tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành; nhiều dịch vụ có mức tăng gần 1 triệu đồng/lần sử dụng, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật đó vốn đã cao. Như chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng...
Cũng theo Thông tư 02, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, bao gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.
Bà Nhị Hà cho hay, với những kỹ thuật cao chi phí lớn, BHYT có thanh toán chi trả một phần nhưng người bệnh nghèo vẫn khó khăn, do đó TP.Hà Nội đang thành lập quỹ hỗ trợ KCB cho người nghèo, hỗ trợ các bệnh nhân nghèo trong trường hợp bệnh nặng chi phí lớn.
(Theo Thanh niên)
Ý kiến bạn đọc