Lãnh đạo Viện Da liễu: Không kê thực phẩm chức năng, không thể khỏi bệnh!

11:23, 14/07/2017
|

(VnMedia) - "Do nhiều loại trước đây là thuốc, nay được Bộ Y tế chuyển thành thực phẩm chức năng nên nay nếu chỉ kê 1-2 loại thuốc thì bệnh nhân mắc các bệnh về da không thể khỏi được, phải kê kèm theo thực phẩm chức năng" - lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương giải thích.

Đơn tư vấn 3
Gamaphin - một loại sữa rửa mặt được bác sĩ Viện Da liễu Trung ương kê trong đơn tư vấn là một loại mỹ phẩm

1.000 loại bôi chữa bệnh ngoài da thì chỉ có 10 loại là thuốc

Thời gian gần đây, một số thông tin từ người bệnh thắc mắc về việc bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương ngoài việc kê đơn thuốc thì bao giờ cũng kê kèm theo đơn tư vấn, trong đó hầu hết là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…

Chiều 13/7, trao đổi với phóng viên, Viện trưởng Viện Da liễu Trung ương, BS Nguyễn Văn Thường đã giải thích: Trước đây, những thuốc vitamin B, C, hay những yếu tố vi lượng như kẽm, sắt, vàng… cần thiết cho cơ thể, và trong da liễu là dùng để chữa bệnh thì nay theo quy định của Bộ Y tế đã chuyển sang thành thực phẩm chức năng. Ngoài ra, theo nhận định của BS Thường, một số công ty cũng “né” đăng ký thuốc vì rất khó khăn, còn thực phẩm chức năng thì do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phụ trách. Nói về việc kê đơn tư vấn có thực phẩm chức năng, BS Thường cho biết: "Có đến 1/3 số bệnh về da liễu là do thiếu hụt Vitamin".

"Ví dụ như thiếu Vitamin B5 thì gây rụng tóc, thiếu Biotin gây trứng cá…, không cho những thuốc này thì bệnh nhân không khỏi được. Hay ví dụ như đau Zona thì cho liều cao Vitamin 3B. Người bình thường uống 3 viên, người bệnh có khi phải uống 30 viên, thậm chí phải tiêm" - Viện trưởng Nguyễn Văn Thường nêu ví dụ và giải thích thêm, trong những bệnh da liễu, đến 90% phải có các loại Vitamin và khoáng chất liều cao. Trước đây, phần lớn những loại này là thuốc, nay chuyển sang thành thực phẩm chức năng. Ngoài ra, một số loại, ở các nước khác vẫn quy định là thuốc nhưng Việt Nam lại là thực phẩm chức năng.

"Thế giới họ có dược mỹ phẩm, còn Việt Nam cũng chưa có từ này, mà chỉ có từ mỹ phẩm,. Vấn đề này hiện nay Bộ Y tế vẫn đang tranh cãi để làm luật. Ví dụ như một số loại kem làm mềm da, rất tốt cho người viêm da cơ địa bị nứt chảy máu nhưng Việt Nam không gọi là thuốc, mà gọi là mỹ phẩm." - Viện trưởng Thường cho hay.

Ông cũng khẳng định: Bệnh ngoài da thì phải bôi thuốc, nhưng hiện nay 1.000 loại thì chỉ có khoảng 10 loại là thuốc, còn lại đều là mỹ phẩm.

“Bệnh da liễu thì phải bôi, chả nhẽ lại không kê cho bệnh nhân? Mà thuốc thì Việt Nam sản xuất được rất ít. Những dược phẩm chức năng đó, ví dụ như kem chống nắng thuộc loại mỹ phẩm, hay các loại bôi chống ngứa, chống rụng tóc... thì có tới trên 90% là mỹ phẩm. Trong nhà thuốc bây giờ, những loại gọi là thuốc để bôi rất ít. Hiện tại theo cơ chế mới là không có" - BS Thường nói và khẳng định, quy định mới có nhiều bất cập 

“Chúng tôi thì vì phục vụ nhân dân buộc phải kê các loại này. Tên là gì thì cũng phải sử dụng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không quên Thông tư của Bộ Y tế. Chúng tôi ghi thành 2 đơn, một là đơn thuốc chữa bệnh, còn một đơn tư vấn - bác sĩ khuyên dùng. Trong đơn tư vấn có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Bệnh nhân phải mua thuốc chính, nếu còn tiền thì mua theo đơn còn lại, cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, bác sĩ phải tư vấn, dặn dò bệnh nhân rất kỹ” - Viện trưởng khẳng định.

Về trường hợp bệnh nhân phản ánh trong Đơn tư vấn vẫn có chữ “khám lại sau khi hết thuốc” khiến bệnh nhân hiểu lầm đơn tư vấn cũng là đơn thuốc, TS Nguyễn Kim Thu, Trưởng khoa dược Bệnh viện Da liễu Trung ương giải thích, đó là do có sự cố trục trặc về hệ thống tin học, còn theo quy định của Viện thì Đơn tư vấn không có dòng chữ này.

“Đặc thù của da liễu không giống các chuyên ngành khác. Những bệnh như sạm da, rụng tóc, rám má, khô da, vảy nến…, mà thuốc hiện nay có trên thị trường Việt Nam thì kinh nghiệm điều trị cho thấy, chỉ dùng thuốc là không khỏi, không triệt để. Có những loại theo quy định của Bộ Y tế không phải là thuốc, nhưng thực tế lại chữa được” - TS Thu khẳng định.

Đối với phản ánh về việc bác sĩ không tư vấn, giải thích kỹ về sự khác nhau giữa Đơn tư vấn và Đơn thuốc, Viện trưởng Nguyễn Văn Thường chia sẻ: “Các bác sĩ đông bệnh nhân quá, có ngày Viện đón tới 2.000 bệnh nhân, có người khám từ sáng đến trưa mệt quá nên nhiều khi nói không nhiều khiến bệnh nhân không hiểu hết. Một ngày mấy nghìn bệnh nhân thì chắc cũng phải có mấy trăm bệnh nhân không hiểu hết. Chứ bác sĩ cũng không ép bệnh nhân mua, mặc dù mua thì tốt hơn”

“Qua phản ánh, chúng tôi sẽ giáo dục, truyền đạt lại cho đội ngũ bác sĩ để dù có đông, có bận thì vẫn phải dành thời gian giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ hơn” - BS Thường nhấn mạnh.

Giá bán không chịu sự quản lý, không phải đấu thầu

Về giá bán thực phẩm chức năng, trả lời câu hỏi của VnMedia, BS Thường cho biết, những loại trước đây là thuốc, nay chuyển sang thực phẩm chức năng đã không còn chịu sự quản lý của Bộ Y tế, Bộ Tài chính về giá và không phải đấu thầu.

“Giá thuốc thì được quản lý chặt chẽ, ví dụ như lọ thuốc 1 triệu đồng thì được quy định lãi tối đa bao nhiêu % theo quy định của Bộ Tài chính. Còn thực phẩm chức năng thì thuộc Bộ Công Thương quản lý theo giá thị trường” - Viện trưởng cho biết. Tuy nhiên, Viện trưởng Thường khẳng định, dù chuyển từ thuốc thành thực phẩm chức năng nhưng giá gần như không thay đổi.

Về lý do Bộ Y tế chuyển hàng loạt lại thuốc thành thực phẩm chức năng, Viện trưởng Nguyễn Văn Thường cho biết ông “không rõ”.

“Chắc là có lý do gì đó bởi vì thuốc để vào được (thị trường Việt Nam - PV) thì không đơn giản, cần phải chứng minh tương đương sinh học, nhưng nhập vào theo đường thực phẩm chức năng thì dễ hơn” - Viện trưởng Viện Da liễu Trung ương nói.

Nói về những hệ quả có thể xảy ra khi nhiều loại trước đây là thuốc, nay chuyển sang thực phẩm chức năng như: kê đơn ngay cả khi không cần thiết; bệnh nhân chủ quan có thể dùng “vô tội vạ” gây ảnh hưởng đến sức khỏe; đặc biệt là giá có thể quá cao do không phải đấu thầu…, BS Thường khẳng định:” Không bao giờ thầy thuốc lại làm như vậy".

“Dù luật không cấm vì nó chỉ là một loại hàng hóa, nhưng chúng tôi cũng phải hài hòa giữa lợi ích của nhà bán hàng, của bệnh viện và quan trọng nhất là lợi ích của bệnh nhân. Vì vậy, dù họ chào giá thế nào, nhưng chúng tôi phải khảo sát, đắt quá là không cho nhập vào viện. Với thầy thuốc cũng chỉ được cho những gì thật sự cần thiết, với tinh thần phải xem bệnh nhân có điều kiện, muốn hiệu quả chữa bệnh tốt hơn thì mới kê. Với người nghèo, thậm chí chúng tôi còn không lấy tiền khám, giảm tiền cấp thuốc...” - Viện trưởng nói.

BS Thường cũng khẳng định, không có loại thuốc nào bác sĩ kê mà chỉ có nhà thuốc trong viện mới có, ra ngoài không mua được. “Tuy nhiên, do chúng tôi bán thuốc rẻ hơn nên mỗi ngày, chúng tôi có thêm 300 đơn từ các phòng khám họ về đây mua thuốc. Kể cả các phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân họ cũng về đây mua ở Viện” - Viện trưởng Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc