1. Những thảm họa từ… nóng
Chỉ tính từ đầu thế kỷ XX cho tới nay, nhân loại đã phải hứng chịu hàng chục đợt nắng nóng kỷ lục. Điều kiện địa lý và một số lý do khác nữa đã khiến Ấn Độ là nước phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng nhất trong lịch sử.
Năm 1900, ở Ấn Độ đã xảy ra một trận nắng nóng gay gắt, không mưa và nhiệt độ tăng cao từ 40 – 45 độ C trong suốt nhiều ngày liên tục. Số người thiệt mạng dao động từ 250.000 tới gần 3,25 triệu người. Năm 2015 Ấn Độ một lần nữa trở thành tâm điểm của những đợt nóng kinh hoàng.
Ngày 31/5/2015 số người thiệt mạng do nắng nóng tại Ấn Độ đã tăng lên 2.207 người. Hầu hết nạn nhân đều là công nhân xây dựng, người vô gia cư và người già.
Tại Liên Xô, giai đoạn 1921- 1922 đã có tới 5 triệu người chết khát vì không chịu nổi cái nóng và hạn hán kéo dài. Con số này còn lớn hơn tổng số người đã chết trong Chiến tranh Thế giới I (1914 - 1919).
Tại Trung Quốc, trong vòng 5 năm từ 1936 tới 1941, tại tỉnh Tứ Xuyên đã có tới 2 trận nắng nóng khủng khiếp dẫn tới hạn hán, “kết liễu” sinh mạng của 2,5 triệu người.
Mùa hè năm 1936, nước Mỹ chịu đựng trận nóng tàn bạo nhất trong lịch sử khi nhiệt độ nhiều khu vực lên đến 49 độ C, trung bình là 41 độ C. Tổng cộng số nạn nhân thiệt mạng của đợt nắng nóng này khoảng 5.000 người.
Cũng tại nước Mỹ, từ ngày 12 tới 16/7/1995, nhiệt độ trung bình ở Chicago rơi vào khoảng 41 độ C, có khi lên tới 43 độ C. Chỉ trong 5 ngày của đợt nắng nóng này, tại Chicago, Mỹ đã có tới 750 người thiệt mạng, hơn 3.000 người phải nhập viện.
Là một đất nước khí hậu ôn đới nhưng năm 2010, Nga đã phải hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ khi nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Ở một số nơi, mức nhiệt lên tới 44 độ C như Yashkul, Belogorsk. Khoảng 56.000 người Nga đã thiệt mạng. Nắng nóng đã gây ra hơn 50 vụ cháy trong một tháng qua làm thiệt hại hơn 86.000ha rừng ở nước này.
Năm 2003 được gọi là năm nóng bỏng nhất châu Âu kể từ năm 1540 khiến hơn 70.000 người thiệt mạng. Chỉ riêng tại Pháp, gần 15.000 người đã chết vì nóng bức. Một loạt quốc gia ôn đới khác cùng chịu cảnh này như Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha khi nhiệt độ đã có lúc lên tới hơn 40 độ C, khiến gần 55.000 người chết.
Nắng nóng không chỉ khiến hàng loạt người thiệt mạng. Một trận gió nóng khủng khiếp diễn ra tháng 2/2009 tại khu vực Victoria thuộc Australia đã gây ra nhiều trận cháy rừng cực kì nguy hiểm. Tại thành phố cảng Melbourne, có tới 3 ngày liền, nhiệt độ lên trên 43 độ C. Cái nóng gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân đô thị: hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị thiêu cháy, dân cư khu vực lân cận bị buộc phải sơ tán.
Nắng nóng còn là nguyên nhân gây ra những dịch bệnh nguy hiểm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 150.000 người chết, 5 triệu người gặp các chứng bệnh do nhiệt độ cao gây ra. Con số này nhiều khả năng có thể tăng lên gấp đôi trong năm 2030.
Không những vậy, nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học chú ý đến mối liên hệ nhân quả giữa nắng nóng và hiện tượng tăng mạnh các hành vi phạm tội. Năm 2001, Đại học Iowa (Mỹ) từng thực hiện đề tài “Sức nóng và bạo lực”. Kết quả chỉ ra, số vụ ám sát, xâm phạm bạo lực ở Mỹ trong mùa hè tăng gấp 2,6 lần so với mùa đông. Những mùa hè càng có nhiệt độ cao thì số vụ phạm pháp càng tăng.
Theo nghiên cứu của Văn phòng Cảnh sát Giao thông New Delhi, Ấn Độ những vụ tai nạn giao thông thường tăng đột biến trong mùa hè. Nắng nóng gay gắt cùng tình trạng kẹt xe (có lúc kéo dài 4 giờ đồng hồ) khiến những người tham gia lưu thông mất bình tĩnh, từ đó gây ra tai nạn.
Bên cạnh đó, nhiều đèn giao thông bị hỏng và mặt đường biến dạng ảnh hưởng đến lưu thông của người dân. Từ đầu năm 2015 đến nay, cảnh sát New Delhi ghi nhận hơn 19.800 tai nạn giao thông. Số trường hợp tăng đáng kể trong tháng 5, thời điểm mùa nắng nóng kỷ lục bắt đầu ở Ấn Độ.
Theo nghiên cứu đăng trên Nature Climate Change, năng suất lao động toàn cầu giảm còn 90% trong những tháng nắng nóng của năm. Đến năm 2200, năng suất lao động có thể giảm chỉ còn 40% vì cái nóng. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là Ấn Độ, miền Bắc Úc và đông nam nước Mỹ.
2. Nắng nóng sẽ tăng gấp… 12 lần trong thế kỷ 21
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo, nếu không thay đổi quy trình sản xuất công nghiệp gây hiệu ứng nhà kính, chính loài người tự đẩy mình đến viễn cảnh nhiệt độ trung bình tăng 5°c trong thế kỷ 21. Theo các chuyên gia khí hậu, các đợt nắng nóng khủng khiếp diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng bốn lần so với trước đây. Dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay.
Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, những đợt nắng nóng sẽ tăng lên theo tần suất và tăng cường cho tới năm 2040 thậm chí ngay cả khi cộng đồng quốc tế cố gắng giảm bớt khí thải nhà kính (lượng khí thải carbon mà chúng ta vừa thêm vào khí quyển đã tạo ra một sức nóng nhất định cho dù chính sách về khí hậu của tương lai có như thế nào).
Tạp chí Nature Climate Change (Anh) mới đây cũng công bố nghiên cứu cảnh báo các đợt nắng nóng gay gắt sẽ xuất hiện với tần suất cao gấp nhiều lần hiện nay do nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng cao.
Tổ chức Hòa bình xanh cảnh báo nắng nóng sẽ tăng gấp 12 lần trong hai thập kỷ tới nếu không có các biện pháp can thiệp.
Một nghiên cứu mới xuất bản trên tờ Environmental Research Letters cho thấy, những kiểu thời tiết thiêu đốt như vừa qua ảnh hưởng tới vùng Đông Bắc Á sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới.
Các nhà khoa học cảnh báo trong khoảng bốn thập kỷ tới, châu Âu sẽ trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, gấp 10 lần đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003.
Những nơi như Đông Bắc Á sẽ phải hứng chịu điều tồi tệ mà họ đã bắt đầu phải nếm trải. Hãy tưởng tượng những đợt nắng nóng với nhiệt độ lên trên 46,1 độ C hay 48,9 độ C tại các thành phố như Thượng Hải và Seoul. Thậm chí, những thành phố nhiệt đới như Mumbai hay Jakarta sẽ trở nên nóng hơn mức mà con người đã từng trải qua.
Các hoạt động tàn phá môi trường của con người là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trái đất tăng cao. Ấn Độ là nước thải khí CO 2 nhiều thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Mỹ). Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, cảnh báo tổng lượng CO 2 các nước thải ra phải giảm 40% – 70% đến năm 2050, và tiến tới cắt giảm hoàn toàn trước khi kết thúc thế kỷ. Chính sách này nhằm tránh để nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C. Cột mốc 2 độ C là ngưỡng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Theo Báo Nghệ An
Ý kiến bạn đọc