Số ca ngộ độc thực phẩm thực tế cao gấp 100 lần báo cáo?

06:39, 06/06/2017
|

(VnMedia) - Đại biểu tỉnh Cà Mau cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thì số ca ngộ độc thực phẩm trên thực tế có thể gấp 100 lần báo cáo, và số người chết vì ngộ độc thực phẩm là mỗi ngày là 76 người chứ không phải 2-3 người…

Ngày 5/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Nghị trường về vấn đề an tooàn thực phẩm, một vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong dư luận cả một thời gian dài.

76 đại biểu đã đăng ký phát biểu tại hội trường cho thấy sức nóng, sự bức xúc của vấn đề này là vô cùng lớn.

Theo báo cáo kết quả giám sát tối cao của Quốc hội, trong 5 năm (2011 – 2016), cả nước phát hiện gần 700.000 vụ vi phạm ATTP, trong đó có hơn 300 vụ bị chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự nhưng kết quả chỉ có duy nhất 1 vụ bị khởi tố, gần 140.000 vụ việc khác bị xử phạt hành chính (chiếm 20% tổng số vụ vi phạm).

Vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất là rau quả tồn dư chất bảo vệ thực vật quá mức cho phép sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng phụ gia trong danh mục cấm chế biến thực phẩm, đồng thời nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, đáng chú ý có tới trên 1000 vụ thực phẩm với gần 30.400 người bị ngộ độc, hơn 160 người tử vong.

Còn theo Cục ATTP Bộ Y tế, năm 2017, thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Năm 2016, cả nước phát hiện hơn 50.000 vụ vi phạm ATTP thì chỉ trong quý I năm nay, tổng số vụ vi phạm bị phát hiện là hơn 34.700 vụ, tương đương 2/3 số vụ vi phạm bị phát hiện trong cả năm 2016.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho biết, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và các đối tác phát triển thì số ca ngộ độc thực phẩm thực tế có thể cao hơn gấp 100 lần số liệu được báo cáo.

“Như vậy, trung bình có đến 76 người mỗi ngày chết do ngộ độc thực phẩm, trong khi báo cáo chỉ nêu trung bình mỗi tháng khoảng 2 - 3 người chết” – đại biểu tỉnh Cà Mau lo lắng.

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)

Cũng theo đại biểu này thì các bệnh truyền qua thực phẩm, theo báo cáo trong giai đoạn này đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm là chưa đủ. “Theo tôi biết, số bệnh truyền qua thực phẩm từ nhiều mối nguy cơ như do các ký sinh trùng, do nấm, vi khuẩn, vu rút, các độc tố tự nhiên, các chất ô nhiễm môi trường, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật v.v... chỉ cần một mối nguy cơ thì có thể gây ra nhiều bệnh truyền qua thực phẩm. Ví dụ như bệnh tả, hoặc từ vi khuẩn, từ mối nguy cơ vi khuẩn có thể gây bệnh tả hay bệnh liên cầu khuẩn lợn thì từ những vấn đề đó cho thấy báo cáo nêu trên ghi nhận chỉ 7 bệnh truyền qua thực phẩm quá ít”.

Do đó, đại biểu Yến Linh đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu xem xét lại số liệu, bổ sung cho đầy đủ để có bức tranh tổng thể đúng mức cũng như đúng bản chất của vấn đề, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Yến Linh và nhiều đại biểu khác cho rằng, chế tài xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể đã qua xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, có đại biểu coi đây là một tội ác và có đại biểu cũng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Trước đây cũng có đại biểu cũng đề nghị nên tăng mức xử phạt có thể lên mức xử phạt tử hình. Mặc dù chúng ta ngày càng có tính hướng nhân đạo nhưng cũng cần nghiên cứu nâng mức hình phạt lĩnh vực này lên để giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng” – đại biểu Trương Thị Yến Linh nói.

Từ những vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng, khâu quản lý, sản xuất, kinh doanh quá lỏng lẻo, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm nghiệm các thực phẩm chưa đủ và đề nghị Chính phủ bổ sung, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm nghiệm thực phẩm đầy đủ hơn.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng lo ngại về tình trạng sản xuất đồ uống kém chất lượng, đồ uống giả, trong đó có tình trạng sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế rượu vẫn xảy ra và gây hậu quả rất nghiêm trọng.

“Những thiệt hại khi không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra rất nhiều hậu quả tới sức khỏe với các mức độ khác nhau, từ gây ra các bệnh ngộ độc cấp tính đến bệnh mãn tính, tử vong” – đại biểu Lê Thị Yến nhấn mạnh.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về một đầu mối duy nhất, không nên để 3 bộ  (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đều quản lý như hiện nay.

Về nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, hiện đang rất hạn chế và khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, vì vậy, nhiều đại biểu đồng ý với giải pháp trong báo cáo kết quả giám sát đã đưa ra, đó là cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, chỉ nên xác định giải pháp kinh phí nêu trên là tạm thời, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định, vì về nguyên tắc, việc xử lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bởi hiện nay đã có những giải pháp kinh phí đặc thù đối với tiền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông, và nay lại bổ sung thêm đối với tiền xử phạt về an toàn thực phẩm.

“Vậy, đối với nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như khai thác khoáng sản, buôn lậu hàng giả v.v... cũng là những vấn đề đã có nhiều bức xúc, bất cập thì sẽ giải quyết như thế nào” – đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu ý kiến.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc