Rượu pha nước ngọt: Tác hại khôn lường

15:31, 10/06/2017
|

Hiện nay có nhiều người hay dùng một số loại nước ngọt như nước tăng lực, coca… để pha rượu nhằm làm dễ uống và ngon hơn. Nhưng cách pha chế này lại không tốt cho sức khỏe.

Việc pha rượu với nước có gas hiện rất phổ biến trong các quán nhậu, quán bar, ngay cả uống ở nhà nhiều người cũng pha rượu với một số loại nước có gas. Theo một số nghiên cứu gần đây, việc pha rượu với một số loại nước có chứa caffein sẽ nguy hiểm hơn việc uống rượu không pha nước ngọt. Pha rượu vào bia khiến rượu ngọt hơn, dễ uống hơn nên sẽ uống được nhiều hơn. Nhưng việc uống rượu chung với nước ngọt có gas sẽ gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, làm tăng nhịp tim, tăng nguy cơ về các bệnh tim mạch.

 

Môt số người dùng nước tăng lực để pha với rượu nhưng việc làm này không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Môt số người dùng nước tăng lực để pha với rượu nhưng việc làm này không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, ThS quản trị chất lượng, caffeine không chỉ có trong cà phê mà còn có trong nhiều thức uống khác. Một tách cà phê espresso có khoảng 60 mg caffeine, ly trà xanh 35 mg, lon coca 30 mg, lon nước tăng lực Red Bull (nhỏ) có 80 mg…

Một số người thích pha Coca hay Pepsi vào rượu mạnh cho dễ uống. Coca không phải là điều đáng ngại lắm vì chứa lượng caffeine không nhiều. Nhưng đáng ngại nhất là nước tăng lực có cồn (alcoholic energy drink) với độ cồn khoảng 13%, nhưng lượng caffeine có thể lên tới 300 mg. Caffeine là chất kích thích, làm tăng huyết áp, nhịp tim.

Rượu là chất làm hoạt động của não chậm lại, đi đứng, nói và suy nghĩ đều ít nhiều lạng quạng. Mặc dù cho đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết những biến đổi về mặt sinh lý khi dùng cả hai thứ này cùng lúc nhưng những khảo sát thực tế cho thấy chúng không loại trừ khuyết điểm của nhau, nghĩa là dùng caffeine để “trị” say xỉn do rượu là điều không đúng. Uống rượu tới cỡ nào đó, người ta cảm thấy mệt, thấy đủ đô và dừng lại. Nhưng caffeine làm người ta tỉnh táo, tưởng mình uống chưa tới đô và uống tiếp. Nồng độ rượu trong cơ thể vẫn “hoành hành” như thường và đến lúc nào đó không còn kiểm soát được hành động.

(Theo Pháp luật online)


Ý kiến bạn đọc