Nhiều ngư dân Bình Định xác nhận, doanh nghiệp đã thỏa thuận đền bù từ 300 đến 600 triệu đồng với hy vọng họ rút đơn kiện vụ tàu thép chục tỷ nằm bờ.
Trước khi đoàn giám định độc lập vào cuộc kiểm ra, 7 chủ tàu vỏ thép mới bàn giao đã hư hỏng nằm bờ bất ngờ rút đơn kiện doanh nghiệp khiến cơ quan chức năng Bình Định ngỡ ngàng.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới được bàn giao đã hư hỏng nằm bờ ở cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Bảy chủ tàu vỏ thép rút đơn khiếu nại
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho hay địa phương hoàn toàn bất ngờ khi một số ngư dân đã rút đơn khiếu kiện doanh nghiệp đóng tàu. Việc này đã gây không ít khó khăn cho Tổ giám định độc lập về thực trạng hỏng hóc của tàu vỏ thép mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố của bà con ngư dân.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, xác nhận ban đầu cơ quan chức năng tiếp nhận 18 đơn khiếu nại doanh nghiệp đóng tàu của bà con ngư dân. Tuy nhiên trước khi đoàn công tác giám định độc lập về làm việc các địa phương tổng rà soát tàu vỏ thép mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố thì bảy chủ tàu bỗng dưng rút lại đơn.
"Bảy chủ tàu vỏ thép rút đơn khiếu nại doanh nghiệp đóng tàu thì có 5 người ở huyện Hoài Nhơn, hai người còn lại ở huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Hiện chúng tôi chưa hiểu lý do gì mà họ rút lại đơn như vậy", ông Phúc nói.
Trong lúc ngư dân Bình Định đang loay hoay như ngồi trên "đống lửa" thì hai doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cử người về tận nhà thỏa thuận tiền đền bù vụ tàu thép chục tỷ mới bàn giao đã nằm bờ.
Tàu vỏ thép mới bàn giao của ông Mai Văn Chương (ngụ huyện Phù Cát) gỉ sắt, xuống cấp nghiêm trọng, liên tục hư hỏng phải nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Doanh nghiệp thỏa thuận đền bù từ 300 đến 600 triệu
"Hai tuần trước họ đưa ra mức đền bù 100 triệu đồng, rồi tăng lên 300 triệu, 500 triệu, cuối cùng là 600 triệu đồng. Họ đề nghị nếu đồng ý thì lập biên bản cam kết rút đơn bãi nại không kiện cáo gì nữa nhưng tôi nhất quyết không chịu", ông Lý quả quyết.
Tàu ông Lý ra khơi đánh bắt được năm chuyến thì đã bị lỗ hơn 500 triệu đồng đành phải đưa về nằm bờ. Tàu mới ra khơi vài chuyến biển đã gặp sự cố liên tục, lưới cứ thả xuống nước là bị cuốn vào chân vịt tơi tả hết. Hầm chứa thủy sản thì nước thoát không kịp, nước ngập làm hỏng hàng tấn cá...
Doanh nghiệp tự ý thay vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản bằng sắt thép Trung Quốc; sử dụng sơn không đảm bảo nên bị gỉ sắt nhanh, tự ý lắp hộp số máy Trung Quốc (hợp đồng ghi rõ hộp số máy Nhật Bản), lắp máy phát điện Trung Quốc (hợp đồng ghi là máy phát điện Doosan Hàn Quốc)...Hợp đồng máy dò trị giá 1,4 tỷ thì lắp máy dỏm chỉ vài trăm triệu, dàn đèn 180 bóng (mỗi bóng 3.000 W) nhưng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương chỉ lắp 80 bóng (mỗi bóng 1.000 W).
Theo vị chủ tàu, tàu trị giá hàng chục tỷ mới bàn giao đã hư hỏng khắp nơi thì 600 triệu đồng làm sao đủ để mà sửa chữa. Doanh nghiệp ăn chặn tiền thiết kế, đóng tàu sai vật liệu, lắp thiết bị dỏm...xà xẻo hàng tỷ đồng thì phải thay mới theo đúng hợp đồng thì mới có thể chấp nhận.
Do phần máy chính liên tục hỏng nên mỗi khi khởi động tàu của ông Đinh Công Khánh (ngụ huyện Phù Cát) thải khói đen cả vùng trời cảng Đề Gi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Còn ông Lê Văn Thãi, Chủ tàu BĐ 99016-TS (Lê Gia 01), cho biết thêm sau hai tháng vắng bóng, trước khi đoàn công tác giám định độc lập về kiểm tra thực trạng tàu nằm bờ thì Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu cho nhóm thợ về sơn những vị trí gỉ sắt ở cabin, boong tàu theo kiểu 'đối phó'.
"Doanh nghiệp đóng tàu đã cử người thỏa thuận đền bù lúc đầu 100 triệu, sau đó kỳ kèo tăng lên 250 triệu rồi 300 triệu đồng để rút lại đơn khiếu nại. Tôi trả lời: Các ông có đưa tiền tỷ tôi cũng không chấp nhận vì tàu thép mới bàn giao đã hỏng máy, hầm bảo quản không đảm bảo, hộp số sai hợp đồng, nhiều hạng mục gỉ sắt...300 triệu đồng làm sao đủ tiền mà sửa hết hư hỏng của con tàu này", ông Thãi ấm ức.
Nhận tiền, rút đơn kiện, chủ tàu thép hy vọng sớm ra khơi
Trong khi đó, một số chủ tàu thép đồng ý nhận tiền, rút lại đơn khiếu nại doanh nghiệp đóng tàu giải thích, sở dĩ họ rút đơn vì lo ngại cơ quan chức năng vào cuộc khiến tàu nằm bờ lâu thì càng xuống cấp, hư hỏng. Họ không ra biển được thì thiệt hại kinh tế càng nặng thêm. Do vậy một số chủ tàu đã đồng ý phương án nhận tiền đền bù với hy vọng doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa tàu tiến độ nhanh hơn để sớm được ra khơi.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám yêu cầu hai Công ty TNHH MTV đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu cần dứt khoát thay máy và vỏ tàu mới đúng nguyên trạng theo hợp đồng đã ký kết cho ngư dân Bình Định chứ không phải sửa chữa.
Ông Tám nhấn mạnh, trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc tàu vỏ thép mới bàn giao đã nằm bờ thuộc về cơ sở đóng tàu. Một số ngư dân có tàu vỏ thép gặp sự cố đã làm đơn kiến nghị tỉnh kiểm tra nhưng không biết do tác động thế nào mà họ rút đơn.
"Tôi đề nghị cơ quan chức năng Bình Định dứt khoát phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận rõ ràng. Không phải vì ngư dân rút đơn mà chúng ta không làm. Sau khi có kết quả rà soát, giám định độc lập phải nhanh chóng gửi báo cáo vụ việc tàu đóng mới theo Nghị định 67 hư hỏng để Bộ có hướng xử lý trách nhiệm các bên liên quan", Thứ trưởng Vũ Văn Tám lưu ý.
Theo Zing
Ý kiến bạn đọc