Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X

21:31, 27/06/2017
|

Theo chương trình làm việc, Hội nghị sẽ dành phần lớn thời gian trong 2 ngày làm việc (ngày 27/6 và ngày 28/6) để thảo luận về các nội dung trong tờ trình, gồm các phiên thảo luận tại tổ và hội trường. Ngày 28/6, Hội nghị họp phiên bế mạc.

 

aaa
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (trái) trao đổi cùng các đại biểu - Ảnh: thanhuytphcm.vn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,76%, thu ngân sách đạt 49,78% dự toán, tăng 17,53% so với cùng kỳ. Riêng kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 bước đầu phát huy hiệu quả, đã có 18.679 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng 10,9% so với cùng kỳ và 552 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Công tác quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị được giữ vững.

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP, những năm qua TP đã huy động mọi nguồn lực tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt các công trình thực hiện các chương trình đột phá của TP, tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; hạ tầng thủy lợi, giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, đồng chí Tất Thành Cang cho rằng, môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế TP tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm; tiến độ triển khai dự án còn chậm do thiếu vốn và vướng mắc về giải phóng mặt bằng; tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa quyết liệt; một số cán bộ công chức còn có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực; việc cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn nhiều bất cập.

Bàn giải pháp tạo bước đột phá về cải cách hành chính và phát triển hạ tầng giao thông

Cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, tại phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến hai lĩnh vực chương trình cải cách hành chính (CCHC) và phát triển giao thông. 

Các ý kiến thảo luận nhằm giúp Đảng bộ TP rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra các biện pháp khắc phục các hạn chế để lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2017 và tạo đà cho những năm tiếp theo.

aaa
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: V.N

Hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp

Trình bày tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP về 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 35 –Ctr/TU ngày 5/5/2008 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Hội nghị Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, công tác CCHC tại TP đã đạt những kết quả nhất định, có sự tiến bộ đáng kể trên 6 lĩnh vực như thể chế và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, tài chính công, hiện đại hóa hành chính và tiếp tục mở rộng thực hiện cơ chế một cửa, một của liên thông.

Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, hiện TP xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước là khâu đột phá quan trọng, giúp cải thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính. TP đang tập trung triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”; đồng thời tiếp tục triển khai chính quyền điện tử từ TP đến cơ sở. Đến tháng 7/2017, TP sẽ chấm dứt gửi văn bản giấy giữa các cơ quan hành chính Nhà nước...

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, trên thực tế công tác CCHC tại TP vẫn còn nhiều hạn chế. Việc cập nhật, trình, công bố, kiểm soát thủ tục hành chính vẫn còn chậm so với yêu cầu. Thái độ phục vụ của công chức trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp còn hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm, thờ ơ.

Theo dự thảo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, Thành phố đang hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt; phấn đấu chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của TP nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước.

Mục tiêu của TP là mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt hơn 80%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn của từng lĩnh vực đạt hơn 90%; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt hơn 80% vào năm 2020. Các giải pháp được đưa ra để đạt được mục tiêu hành chính chuyên nghiệp, năng động, chính quyền điện tử,...

TP.HCM sẽ xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố một cách có hệ thống, chuyên nghiệp và hiệu quả; đảm bảo tất cả thủ tục hành chính được công khai đúng quy định và 100% sở, ngành, quận, huyện, phường, xã thị trấn phải có hệ thống lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Để xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, TP sẽ xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính trách nhiệm, cầu thị của sở, ban – ngành, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và tăng cường sự giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính TP.

Một trong những biện pháp quan trọng là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đường dây nóng và đa dạng các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến góp ý kiến phản ảnh của người dân, doanh nghiệp về CCHC.

Kết nối tốt hệ thống giao thông

Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP về sơ kết 5 năm Chương trình hành động số 27 –CtrHĐ/TU ngày 26/7/2012 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 13 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn TP, những năm qua, TP đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được tập trung phát triển nâng cấp mở rộng.

Cụ thể, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và vượt tiến độ như Cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng; đường Hoàng Sa – Trường Sa; hoàn thành số cầu vượt vĩnh cửu tại các nút giao thông… TP đã triển khai, phối hợp và hỗ trợ thực hiện hoàn thành các công trình giao thông liên vùng như đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây,…

Đến nay, sau 5 năm thực hiện chương trình hành động, tổng chiều dài đường cải tạo và làm mới là hơn 270km, đạt 112,6% chỉ tiêu đề ra; xây dựng 79 cây cầu mới, đạt 158% chỉ tiêu đề ra, nâng mật độ đường giao thông là 1,98km/km2.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế hiện nay là trong khi tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp thì việc đầu tư kết nối giữa các phương thức vận tải, phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa cao, chưa khai thác hiệu quả.

Bên cạnh đó, do sự tăng trưởng của ngành hàng không, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị chưa đạt yêu cầu.

Một số ý kiến cho rằng, một trong những bài học kinh nghiệm là tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị gắn với nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; kết nối tốt hệ thống giao thông TP với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ góp phần để phát triển TP một cách nhanh và bền vững.

Để phát triển đồng bộ hạ tầng về giao thông, Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng đã đề các nhóm giải pháp, trong đó từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian nhằm điều chỉnh, bổ sung, hoặc lập mới quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn phát triển; gắn công tác quy hoạch với tái cấu trúc ngành nghề, đảm bảo kết nối đồng bộ các loại hình giao thông và liên kết vùng; khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng lớn như sân bay, cảng biển,…

TP cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức để đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông. Chú trọng các nguồn lực xã hội qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đầu tư cho các công trình giao thông.

Cùng với đó, TP sẽ ưu tiên tập trung vốn cho những công trình giao thông có khả năng hoàn thành để đưa vào khai thác, phát huy ngay tác dụng; đầu tư dứt điểm từng công trình theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải.

Bên cạnh đó, TP xây dựng lộ trình kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển giao thông công cộng.

Theo thanhuytphcm.vn


Ý kiến bạn đọc