Hà Nội: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng hơn 2,5 lần

08:46, 07/06/2017
|

(VnMedia) - Tính đến ngày 4/6/2017, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2016), trong đó có 126 bệnh nhân đang điều trị và 1 trường hợp tử vong.

Chiều 6/6, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, số người mắc sốt xuất huyết năm nay tăng 481 trường hợp, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Bệnh nhân mắc sốt huyết phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây), 224 xã, phường, thị trấn (chiếm 38% số xã, phường, thị trấn của Thành phố). Các đơn vị có số mắc cao tập trung chủ yếu ở các quận nội thành: Đống Đa 372, Hoàng Mai 253, Hai Bà Trưng 111, Thanh Xuân 84…

Đáng lưu ý, đã có một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đó là một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa).

Hoàng Đức Hạnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do thời tiết chuyển biến nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh.

Ông Hạnh cho biết, kết quả kiểm tra, giám sát tình hình muỗi truyền bệnh sơ bộ ở các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai cho thấy, ổ bọ gậy nguồn của muỗi truyền sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước như bể hở, xô thùng trữ nước, phế liệu, thùng phi…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sốt xuất huyết thông thường có chu kỳ, tăng dần từ tháng 4, 5 đến tháng 9,11 thì thành dịch, nhưng năm nay ngay cuối tháng 5 đã tăng thành dịch. Việc này Sở Y tế đã cảnh báo từ đầu năm bởi thời tiết nóng lắm, mưa nhiều là điều kiện cho muỗi nở.

Trong khi đó , sốt xuất huyết là bệnh chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát triển thành dịch là việc không quá bỡ ngỡ. Sở Y tế đã có kế hoạch phòng dịch ngay từ đầu năm bằng cách chủ động chiến dịch vệ sinh môi trường, nếu không sốt xuất huyết sẽ tăng cao hơn.

Ông Hạnh cũng lưu ý, nhiều gia đình đã đóng cửa, từ chối khi cơ quan chức năng đến phun thuốc diệt muỗi. Điều này khiến cho việc phòng chống dịch sốt xuất huyết thêm khó khăn.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế thì cùng sốt xuất huyết, Hà Nội ghi nhận 84 trường hợp sốt phát ban dạng sởi; 77 trường hợp mắc ho gà, 1 tử vong tại quận Tây Hồ; 60 trường hợp mắc tay chân miệng; 6 trường hợp mắc liên cầu lợn; 3 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; 2 người tử vong do dại. Hà Nội chưa ghi nhận bệnh nhân tả, thương hàn, bệnh do vi rút Zika, cúm A H5N1, cúm A H7N9 và các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV…

Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh thông tin, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika, tuy nhiên dịch bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội có lưu hành loại muỗi truyền bệnh này nên nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện tại Hà Nội trong thời gian tới.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vaccine phòng đặc hiệu nên có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017.

Để phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, thời gian tới, Hà Nội tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ…). Đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng chống dịch sốt xuất: tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu không để cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thau rửa dụng cụ chứa nước, thả cá… phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành.

Thường xuyên cập nhật thông tin về các bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập tại các nước trong khu vực và trên thế giới; chủ động công tác dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố để ứng phó có hiệu qủa trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đồng thời bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch…

Về vấn đề nắng nóng trong mấy ngày gần đây, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý cần phải quan tâm đến việc say nóng. “Say nóng khác với say nắng” - ông Hạnh nhấn mạnh và cho biết, Sở Y tế đã có cảnh báo đến người dân trong trường hợp thời tiết trên 40 độ C sẽ có hiện tượng say nóng. Vì vậy, cần tránh ra đường khi thời tiết quá nắng, nếu đi đường thấy có hiện tượng mệt phải vào bóng râm nghỉ ngơi.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc