(VnMedia) - Giám đốc Công an Nghệ An nhấn mạnh: “Đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh, còn đi ra mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn”.
Như VnMedia đã đưa tin, tại phiên họp Quốc hội chiều 6/6 thảo luận về Luật Cảnh vệ, một số đại biểu đã đề nghị đưa Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ và cho rằng, việc này là hợp lý, vì toà án là cơ quan bảo vệ công dân, và Chánh án là người đứng đầu cơ quan này nên có một vị trí rất quan trọng.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cũng cho biết, có ý kiến muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ là cả Tổng kiểm toán nhà nước, vì Tổng kiểm toán nhà nước là chống tiêu cực, chống tham nhũng, đụng độ, đụng chạm đến rất nhiều lợi ích, nhất là lợi ích nhóm cho nên cần phải được bảo vệ;
Ngoài ra, còn có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an. Thậm chí, sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ.
Sáng nay (8/6), chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Đối với ý kiến cho rằng Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cần phải có cảnh vệ, ông Cầu chia sẻ: “ Tôi nghĩ cái đó không đúng, bởi cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân. Trong Luật cảnh vệ có 18 đối tượng chứ làm gì có nhiều đến thế?".
Đặc biệt, Giám đốc Công an Nghệ An nhấn mạnh: “Đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh, còn đi ra mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn”.
Liên quan đến vụ việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm trong sự việc vừa qua, ông Cầu cho biết, đó không phải là cảnh vệ mà là bảo vệ.
“Cảnh vệ là bảo vệ yếu nhân, có 18 chức danh thôi, còn bảo vệ là bảo vệ tất cả những gì có tình huống đột xuất. Một đồng chí không chỉ là chủ tịch, bí thư mà một nhà báo đi xuống khu vực nguy hiểm thì cũng cần phải bảo vệ. Bây giờ, như phóng viên xuống địa bàn nguy hiểm, nếu mình không phòng ngừa, bảo vệ cho anh em thì sao tồn tại để tác nghiệp?” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Giám đốc Công an Nghệ An cũng chia sẻ thêm, cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn, cho nên đối tượng cảnh vệ như Luật vừa rồi quy định cũng đúng với thực tại bây giờ.
“Không thể bảo vệ được nhiều đâu, có sức đâu mà bảo vệ nhiều thế, tốn kém lắm. Tôi nghĩ còn phải giảm thêm, bởi đến một giai đoạn nào đó, xã hội càng ngày càng an toàn thì nên giảm" - ông Cầu nói.
Ông Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng, đến một giai đoạn nào đó, người ta sẽ thấy cảnh vệ chưa chắc hợp lý.
“Tôi đã rất nhiều lần đi bảo vệ các đối tượng A1 (Nguyên thủ - PV), có những bác, đồng chí không muốn xuất hiện ồn ào mà muốn đi về không phải trống giong, cờ mở gì hết, chỉ cần làm việc hiệu quả, chất lượng. Còn dân mình rất tốt, không ai làm gì đâu” - ông Cầu nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc ở Yên Bái hay một số vụ việc khác, ông Cầu nói: “Tất cả sự việc vừa qua chỉ là hi hữu thôi, chúng ta lấy một sự việc mà đưa ra tổng thể của quốc gia thì không nên. Quốc hội bàn những vấn đề rất lớn, còn ở đâu cũng có những vấn đề này khác”.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc