(VnMedia) - “Mẹ, tự nhiên có những lúc con cảm thấy đầu óc trống rỗng, cuộc sống không còn ý nghĩa, mục tiêu thi đại học cũng không còn là quan trọng nữa. Con sợ lắm!” - H., cậu học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn chuẩn bị thi đại học lo lắng tâm sự với mẹ.
Chị Dương, mẹ của cậu học sinh nói trên cho biết, sau khi nghe con trai tâm sự như vậy, trong lòng chị cảm thấy bàng hoàng, lo lắng. Không dám khóc trước mặt con, nhưng chị Dương thầm nghĩ: Trời ơi, có phải con mình đang gặp nguy hiểm vì áp lực thi cử mà mình đang đặt lên vai con hay không? Nhỡ con nó có chuyện gì thì mình biết phải làm sao? Thi đỗ đại học, thành công trong cuộc sống là quan trọng, nhưng nếu không có sức khoẻ, đặc biệt là sức khoẻ tinh thần thì mọi cái khác chỉ là vô nghĩa.
Chị Dương vội vàng động viên con bình tĩnh, bổ thời gian học hợp lý và đặc biệt là dành thời gian tập thể dục, thư giãn bằng cách nghe nhạc, xem phim, chuyện trò với bạn bè… Ban đêm, chị nhất định không cho con học khuya mà động viên con dậy sớm đi chạy vài vòng quanh hồ rồi mới về ngồi vào bàn học… Kèm theo đó là chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cũng may, những biểu hiện đó chỉ là thoáng qua, và gia đình đã kịp thời can thiệp nên không để lại hậu quả gì.
Cũng như con chị Dương, thi cử, điểm số luôn là nỗi ám ảnh đối với các cô cậu học trò, đặc biệt là những bạn đang trong giai đoạn chuẩn bị thi cuối cấp, thi đại học… Những áp lực đó khiến cho các gia đình tìm đủ mọi cách cho con đi học thêm, rồi luyện đề…
Tâm lý ganh đua điểm số, áp lực học tập nặng nề khiến các học trò luôn rơi vào trạng thái stress, thậm chí mắc các chứng bệnh về tâm thần.
Một nghiên cứu xã hội học cho thấy, có đến 15% số các học trò có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Mới đây một nghiên cứu của các nhà tâm thần trên 5 trường học lớn tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó 2% số học sinh cần điều trị tại các cơ sở y tế. Đó là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực thi cử tuổi thanh thiếu niên.
Trường hợp của cháu Trương Quang Đ. (16 tuổi, ở Trần Phú, Thành phố Bắc Giang) nhiền năm được là học sinh giỏi và dẫn đầu trong một lớp chọn tại một trường tuyến tỉnh.
Nhưng 2 năm trở lại đây, gia đình thấy cháu bỗng trở nên xa lánh mọi người, không muốn giao tiếp, thường khép nép khi mọi người nói chuyện về cháu hay việc học tập của cháu. Đặc biệt, Đ. trở nên lơ là, không muốn học rồi sợ đi học, mở sách ra là thấy như bị áp lực đè lên người nên hay bị đau đầu, bố mẹ động viên thì cháu bực tức khóc lóc. Kết quả học tập những năm gần đây giảm sút.
Quan sát, gia đình thấy cháu có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, cơ thể gầy đi, giấc ngủ hay có ác mộng, thường giật mình vào ban đêm, lúc tỉnh dậy có cảm giác bàng hoàng...., cảm xúc cũng thay đổi, hay cáu giận vô cớ.
Gia đình cho đó là sự thay đổi của tuổi học trò, nhưng đến khi thấy cháu không muốn đến trường nữa thì bố mẹ mới tá hỏa đưa con đi khám.
Tại Viện Sức khoẻ thâm thần (SKTT) - Bệnh viện Bạch Mai, cháu Đ. được các bác sỹ chẩn đoán bệnh rối loạn cảm xúc của trẻ em và cần phải điều trị.
Theo TS.BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện SKTT, ở trẻ em (dưới 22 tuổi), sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các cháu rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi của các cháu cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này.
Bên cạnh những trường hợp các em bị áp lực bởi bố mẹ, thầy cô, xã hội… tại Viện SKTT, bác sỹ cho biết cũng gặp một số trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do chính bản thân các em tạo áp lực cho mình. Các em luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè. Nhiều em không biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, còn dành nhiều thời gian chơi game, vào mạng Internet. Nhiều em đến gần ngày thi mới học dồn, học ngày, học đêm nên không đủ thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, có em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút.
Để đối phó với việc thức đêm, nhiều em đã lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá mà không chú ý đến việc bổ dung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp.
Em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) là một bệnh nhân như thế đang được điều trị tại Viện SKTT. Em cho biết, sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng du học ở nước ngoài. Do mong muốn của em quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu, sợ hãi việc học, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn; rối loạn giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, cảm giác mệt mỏi “kiệt sức”, khó tập trung, đầu óc như trống rỗng, tính tình thay đổi, căng cơ, đi học thì xin cô về…
Rối loạn cảm xúc hoàn toàn có thể chữa khỏi
Theo TS.BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên. Việc phải chịu nhiều áp lực từ bố mẹ, từ thầy cô, từ điểm số và thành tích…. dẫn tới nhiều ảnh hưởng khác nhau cho các em học sinh. Các em luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để chống đỡ với những áp lực học và thi khiến các em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như: Ăn kém, ngủ ít; Cảm giác kiệt sức; Lo lắng căng thẳng quá mức; Đau đầu, hoa mắt chóng mặt; Đau dạ dày; Suy nhược cơ thể…
Có nhiều em học sinh vì không chịu được áp lực quá nặng nề, thiếu sự hỗ trợ quan tâm từ phía gia đình đã phản ứng lại với áp lực bằng những cách tiêu cực như nản chí, không học nữa, hoặc bỏ nhà đi để trốn tránh áp lực, nhiều em có biểu hiện rối loạn tâm thần, nặng nề nhất là học sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.
Cuối năm 2015, nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự sát để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót. Nguyên nhân tự tử của Trang xuất phát từ sự buồn chán, thất vọng vì em chỉ đạt học sinh trung bình. Kết quả học tập đó không đáp ứng được mong đợi của người thân.
Để điều trị cho những bệnh nhân này, theo TS BS Nguyễn Văn Dũng, việc đầu tiên là phải tách các em khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với cha mẹ, trong quá trình nuôi dạy con, cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.
Cần trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.
Theo các chuyên gia, điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực học và thi phải tùy theo mức độ và tùy theo rối loạn mà có phác đồ điều trị phù hợp. Cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện những trường hợp có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, hay bệnh nhân loạn thần.
Cần kết hợp các liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Liệu pháp tâm lý được sử dụng là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp gia đình, kỹ thuật thư giãn luyện tập….Các thuốc có thể hỗ trợ điều trị như thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần…
TS.BS Dũng khuyến cáo, rối loạn cảm xúc do áp lực thi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ cần phải đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài để uống hoặc cúng bái, tin tưởng vào các đấng siêu nhiên… để đến khi bệnh nặng thì việc chữa trị khó khăn, thậm chí sẽ để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của các em.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc