(VnMedia) - Đêm qua (29/5), bệnh nhân thứ 7 trong số 18 bệnh nhân bị sốc phản vệ khi chạy thận tại bệnh viện Hòa Bình đã tử vong. Đây là bệnh nhân nam, 60 tuổi. Hiện còn một bệnh nhân nữ trong tình trạng nguy kịch đã được đưa xuống cấp cứu hồi sức tại bệnh viên Bạch Mai.
Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng 29/5, tại Khoa Thận nhân tạo có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mãn. Sau 45 phút chạy thận, một số bệnh nhân này xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng…
Ngay lập tức, Khoa đã cho dừng chạy thận và báo cáo sự việc đến lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế. bệnh viện đa khoa đã huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu hồi sức tích cực cho các bệnh nhân, đồng thời báo cáo đến Bộ Y tế, xin chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn từ bệnh viện Bạch Mai.
Đến thời điểm này, đã có 7 bệnh nhân tử vong, 1 trường hợp nặng đã được chuyển xuống điều trị tích cực tại bệnh viện Bạch Mai, 10 trường hợp còn lại đang được điều trị tích cực tại bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã phối hợp cùng cơ quan công an niêm phong máy móc và trang thiết bị, thuốc men của Khoa Thận Nhân tạo. Hiện tại khoa Thận Nhân tạo đã tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Chiều ngày 29/5, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã đến thăm, động viên, chia sẻ và hỗ trợ mỗi trường hợp bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, bệnh viện đa khoa tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn lên làm việc, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình các bệnh nhân đã tử vong và bệnh nhân đang nằm điều trị.
Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo các Bệnh viện tuyến Trung ương cử chuyên gia giỏi nhất về các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, chống độc, miễn dịch và huyết học hỗ trợ tối đa về kỹ thuật cứu chữa bệnh nhân đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.
Chiều cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình khẩn trương báo cáo UBND tỉnh tập trung và huy động mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh vì đây là vụ tai biến y khoa nghiêm trọng.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh phối hợp tích cực với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Chống độc, Khoa Cấp cứu, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Khoa Thận nhân tạo) do Bộ Y tế điều động, để tiếp tục xử trí, cứu chữa cho những người bệnh đang cấp cứu.
Bệnh viện Bạch Mai đã cử 2 đoàn công tác gồm 11 chuyên gia gồm các chuyên ngành thận nhân tạo, hồi sức tích cực, chống độc, dị ứng miễn dịch lâm sàng, chỉ đạo tuyến… do TS Nguyễn Hữu Dũng- trưởng Khoa Thận Nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hỗ trợ về chuyên môn.
Thành phần đoàn còn có TS Đào Xuân Cơ- Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, ThS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm Chống độc, BSCK II Hồ Lưu Châu- phó trưởng Khoa Thận Nhân tạo và một số bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Thận nhân tạo cùng với các bác sĩ của bệnh việnĐK tỉnh trực tiếp cấp cứu và cứu chữa bệnh nhân và lên phương án chuyển bệnh nhân về Bệnh viên Bạch Mai và các bệnh viện có chuyên khoa Thận Nhân tạo để tiếp tục điều trị.
Đêm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có mặt tại Hòa Bình để trực tiếp nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý vụ việc. Phó Thủ tướng cũng đã đi thăm hỏi, động viên các bệnh nhân đang cấp cứu tại bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, Khoa Thận nhân tạo đang điều trị chạy thận cho hơn 100 bệnh nhân. Sau ca tai biến với 18 người chạy thận sáng 29/5, khoa Thận nhân tạo phải niêm phong toàn bộ trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân. Bệnh viện ngừng tiếp nhận tất cả ca chạy thận nhân tạo khác.
Vụ việc nghiêm trọng chưa từng có trên thế giới
Trao đổi về vụ việc, tối qua, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai nói: “Khi nhận tin bệnh viện Hòa Bình báo cáo, chúng tôi nhận định đây là tai biến y khoa nghiêm trọng xảy ra trong lọc máu. Với trách nhiệm của những người đi đào tạo giúp đỡ, chúng tôi gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân gặp sự cố này.”
Theo BS Dũng, trên thế giới, lọc thận nhân tạo có khá nhiều biến chứng xảy ra nhưng chỉ xảy ra đơn lẻ do các sự cố, thỉnh thoảng xảy ra với một số bệnh nhân chứ không trầm trọng như vụ việc này.
“Để thực hiện kĩ thuật lọc thận nhân tạo có nhiều khâu, vật tư kĩ thuật liên quan… để tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận định phải tập trung ngay lập tức và hiện đang cùng các anh em trong đoàn và cũng xin ý kiến các thầy ở bệnh viện Bạch Mai để sớm tìm ra nguyên nhân, khắc phục hậu quả.” – BS Dũng cho biết.
“Đây là bài học cực kì đau xót cho những người làm chuyên ngành này.” - Trưởng khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Danh sách 7 bệnh nhân đã tử vong: 1. Bùi Văn Huyền (sinh năm 1971, trú tại huyện Cao Phong) 2. Bùi Văn Chính (sinh năm 1967, trú tại huyện Lạc Thủy) 3. Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1963, trú tại phường Đồng Tiến) 4. Lê Thị Chung (sinh năm 1959, trú tại phường Tân Hòa) 5. Đinh Thị Thu Hằng (sinh năm 1981, trú tại xã Sủ Ngòi) 6. Quách Thị Phượng (sinh năm 1948, trú tại huyện Lương Sơn) 7. Bùi Văn Phơi (60 tuổi, ở Định Giáo Tân Lạc). |
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc