(VnMedia) - 01 kim cánh bướm ở Bệnh viện Việt Đức là 1.090đ thì tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350đ; 1 dây truyền huyết thanh ở Bệnh viện Bạch Mai là 3.675đ thì BV Việt Đức lại là 18.000đ; Một hộp thuốc ở Viện Huyết học Truyền máu TƯ 16.718.000đ thì BV Thống nhất chỉ 2.874.375đ…
Kiểm toán Chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế cho thấy, cùng một loại vật tư y tế nhưng có loại, giá chênh nhau tới 3 đến gần 7 lần giữa các bệnh viện. Ngoài ra, việc mua sắm trang thiết bị y tế tràn lan nhưng không sử dụng hoặc chưa sử dụng đã hư hỏng, bỏ không.
Loạn giá vật tư y tế
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán Chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) năm 2015 cho thấy, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm TTBYT để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.
Đặc biệt, về công tác đấu thầu, chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập.
Phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.
Cụ thể, về vật tư, có loại chênh lệch gấp 6,7 lần (01 cái kim cánh bướm Bệnh viện Việt Đức 1.090đ, Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350đ); có loại gấp 4,8 lần (01 dây truyền huyết thanh bệnh viện Bạch Mai 3.675 đồng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 18.000đ).
Về hóa chất, có loại chênh lệch gấp 5,8 lần như 01 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml, Viện Huyết học Truyền máu TƯ 16,7 triệu thì Bệnh viện Thống nhất chỉ có trên 2,8 triệu; hoặc gấp 3,1 lần như 01 hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml Bệnh viện Chợ Rẫy tính giá gần 1,6 triệu thì Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tính hơn 5 triệu); gấp 3 lần như 01 thùng Diff Timepac, 2x2075ml Viện Huyết học Truyền máu TƯ tính 42,6 triệu thì Bệnh viện Chợ Rẫy là hơn 14,1triệu.
Đầu tư hàng đống thiết bị tiền tỷ để… bỏ đi
Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định.
Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước.
Về quản lý, sử dụng TTBYT là tài sản cố định, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy, một số đơn vị sử dụng TTBYT kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, như: Bệnh viện Lão khoa TW, Bệnh viện RHM TW TP HCM, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt TW, Bệnh viện TMH TW, Bệnh viện Da liễu TW.
Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được như: tại Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên có máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X Quang Tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa; Bệnh viện RHM TW Hà Nội có Nồi hấp tiệt trùng; Bệnh viện Nhiệt đới TW có Hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica...;
Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy, có 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng (Trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); Trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); Trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).
Cùng với đó, nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng như: tại TP Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng có 02 thiết bị (Lò nung, Tủ hút an toàn hoá học) được dự án ADB thuộc Cục Y tế Dự phòng cấp năm 2011 đến thời điểm kiểm toán vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm Tủ đựng tài liệu.
Tại Cần Thơ, bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt có 01 Máy phân tích huyết học tự động Model MS9-3s (bàn giao tháng 12/2014); bệnh viện Cần thơ có 01 máy X-Quang đo loãng xương (từ nguồn dự án ODA, bàn giao năm 2009) đều đã lỗi, hỏng từ khi đưa vào sử dụng, hiện đang tồn kho.
Tại tỉnh Bình Dương có 34 thiết bị của Trung tâm y tế thị xã Bến Cát, Thuận An được cấp từ những năm 2010 mới 100% nhưng chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu.
Tại An Giang, 133 thiết bị tại 09 TTYT chưa đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư mua sắm của dự án xây dựng TTYT huyện và dự án do Bộ Y tế cấp phát.
Tại Kon Tum, lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh 3,157 tỷ đồng không hoạt động được do công nghệ lò đốt không đảm bảo các điều kiện về môi trường…;
Tại Đắk Nông, Sở Y tế có 02 kính hiển vi 02 mắt hiệu Olympus CX22LED nằm trong bộ dụng cụ, thiết bị phục vụ nuôi cấy, soi và phân lập vi khuẩn, 01 máy phân tích sinh hóa tự động 35 thông số hiệu Global 240 (giá mua 850 triệu đồng) chưa sử dụng từ khi nhận bàn giao, vẫn đang để trong kho;
Tỉnh Gia Lai, một số trang thiết bị được cấp về nhưng thực tế Bệnh viện không có nhu cầu sử dụng nên phải trả lại Sở Y tế (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi).
Trong khi đó, Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, Bộ Y tế hiện vẫn chưa có hướng dẫn, quy định đối với hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đặt máy bán hóa chất xét nghiệm chỉ để bán hóa chất nên trong công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc