Do tiện lợi và quá rẻ, những chiếc micro karaoke “thông minh”, “di động” hay “3 trong 1” (micro, amly, loa) đã giúp một số người thỏa mãn sở thích ca hát mọi lúc mọi nơi, nhưng cũng đồng thời làm khổ rất nhiều hàng xóm xung quanh.
Vào buổi chiều chạng vạng, những ai đi ngang khu chợ gần chân cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM đều có thể “thưởng thức” ít nhất 1 sô karaoke ở những con hẻm nhỏ. Hôm thì những người đàn ông bằng vai phải lứa vừa “zô” vừa hát trước nhà, có hôm lại thấy như 2, 3 thế hệ cùng quây quần ngồi hát trong phòng khách và mở toang cửa cho cả xóm cùng nghe. Cũng có hôm hẻm bên này hát bolero thì hẻm bên kia biểu diễn nhạc trẻ, tiếng hát cứ thế bay trên khu phố ồn ào náo nhiệt.
Đường Huỳnh Tấn Phát, đoạn gần khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) cũng vậy, các ca sĩ karaoke cấp… hẻm thi nhau thể hiện nhiều loại nhạc khác nhau trong những buổi chiều tối cuối tuần. Chị Chi (ngụ Q.7) cho biết chị mới mua một căn hộ ở tận tầng 18 một chung cư gần cầu Kênh Tẻ với mong muốn sẽ được yên tĩnh, nhưng cũng không thoát. “Tối nào tiếng hát của các anh công nhân từ các lán trại của các dự án đang thi công xung quanh cũng vọng lên tận trên này, nghe rõ mồn một”, chị nói.
Đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, các gia đình tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt rồi mang thùng loa ra mở âm thanh to hết cỡ, bắt đầu hát từ trưa cho đến tối. “Mình cùng sống trong khu dân cư nên phần lớn vì nể nhau mà “chịu trận”, nhưng phải thẳng thắn mà nói là nhiều gia đình bất chấp lý lẽ, chỉ biết thỏa mãn bản thân nên người dân chúng tôi khổ vì “ô nhiễm âm thanh” ngày càng nặng nề. Tôi nghĩ việc hát hò bất chấp như thế, phải có biện pháp xử phạt. Ngoài ra, trong các cuộc họp khu phố, tổ dân phố, chính quyền địa phương phải thẳng thắn phê bình các gia đình thường xuyên hát hò ầm ĩ chứ cứ như thế này thì không ai sống nổi”, anh Năm nói và cho biết thêm, anh từng chứng kiến nhiều lần các gia đình, nhóm thanh niên tập trung nhậu nhẹt, mở loa hát ồn ào rồi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau gây mất trật tự công cộng.
Khi được hỏi về giải pháp của cơ quan chức năng, ông Võ Trọng Nam đưa ý kiến: “Nếu Sở làm một mình thì không đủ nhân lực. Ví dụ nếu sự việc xảy ra ở Q.12 mà nhân viên Sở chạy đến nơi thì đã... xong rồi. Vả lại tình hình này Sở cũng không thể kham hết. Tốt nhất, tôi muốn đề xuất phương án thành lập đội thanh tra, kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện tại TP.HCM. Đề nghị các quận, huyện cho số điện thoại nóng để giúp người dân giải quyết các nguồn gây tiếng ồn quá mức từ karaoke. Chúng ta nên bắt tay làm mạnh, từ UBND thành phố, các sở, ban ngành, quận, huyện đến địa phương… đều có số điện thoại nóng để khi ở khu nào có tiếng ồn như thế thì gọi báo ngay giải quyết”.
(Theo Thanh niên)
Ý kiến bạn đọc