Hà bá "nuốt chửng" nhà máy xay xát lúa gạo

20:28, 19/05/2017
|
Vào lúc tinh mơ, nhà máy xay xát lúa gạo nằm trên nhánh sông Phong Điền bất ngờ bị sập xuống sông.

Ông Hoàng Chí Thanh – Chánh văn phòng UBND huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm một nhà máy xay xát lúa gạo bị sập xuống sông.

Một phần nhà máy xay xát của ông Trần Hoàng Nam bị nhấn chìm xuống sông.
Một phần nhà máy xay xát của ông Trần Hoàng Nam bị nhấn chìm xuống sông.

Cụ thể, vào lúc 5h ngày 18/5,  nhà máy xay xát lúa gạo nằm trên nhánh sông Phong Điền (đoạn Vàm Rạch Sung, thuộc ấp An Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) do ông Trần Hoàng Nam làm chủ, bất ngờ bị sập xuống sông.

Theo ông Nam, trước khi sự cố xảy ra khu vực nơi đây không có vết nứt hay dấu hiệu gì bất thường. Nơi nhà kho bị sập gồm có máy phát điện, tủ lạnh, thức ăn chăn nuôi,… Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 100 triệu đồng.

Hiện tại gia đình ông Nam đã được UBND xã vận động di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở để tránh nguy hiểm.

Cùng thời điểm đó, tại tuyến đường giao thông thuộc ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, cũng xảy ra sụt lún phần đất dưới nền.

Bà Bùi Thị Mỹ Thuận, nhà gần khu vực sạt lở cho biết, tuyến đường này nối liền các xã, có bề ngang 4m vừa được xây dựng hoàn thành cách đây hơn 1 tuần. Theo ghi nhận của phóng viên, phần sạt lở tạo thành hàm ếch ăn sâu vào hơn 2m, dài khoảng 10m.

Ông Hoàng Chí Thanh – Chánh văn phòng UBND huyện Phong Điền cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã thành lập tổ công tác xuống hiện trường để khảo sát. Đối với 2 khu vực sạt lở trên bước đầu được xác định do dòng nước chảy mạnh, xoáy tạo ra những vết nứt. Riêng đoạn vàm Rạch Sung có độ sâu hơn 10m, sau khi sạt lở xảy ra đã ăn sâu vào bờ khoảng 10m và vị trí này cũng nằm trong diện cảnh báo sạt lở cao.

“Huyện cũng yêu cầu UBND xã tiến hành họp dân thông báo nếu phát hiện vết nứt, hay dấu hiệu bất thường phải báo ngay đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Đánh giá thiệt hại ban đầu tại 2 điểm sạt lở này khoảng 225 triệu đồng”- ông Thanh thông tin.

Cũng theo ông Thanh, giải pháp trước mắt đối với những điểm sạt lở, huyện sẽ cho đóng cọc gia cố tạm thời. Về lâu dài sẽ xây dựng bờ kè kiên cố.

Theo Tiền Phong


Ý kiến bạn đọc