(VnMedia) - Sau khi 7 bệnh nhân tử vong, 1 giờ đêm qua, 10 bệnh nhân đã được đưa về đến bệnh viện Bạch Mai. Cùng lúc, các bác sĩ lại đau đầu tìm nơi tiếp nhận cho khoảng 100 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại bệnh viện tỉnh Hoà Bình…
Đây là thông tin được BS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo chia sẻ với phóng viên VnMedia sáng nay (30/5).
Trắng đêm cấp cứu 10 bệnh nhân sau sự cố
BS, TS nguyễn Hữu Dũng cho biết, ngoài 7 bệnh nhân tử vong, lúc 12 giờ đêm qua, 10 bệnh nhân còn lại trong tình trạng khá ổn định, tiếp xúc được, các chỉ số xét nghiệm khá ổn định, chỉ có một bệnh nhân có vấn đề về cận lâm sàng.
Sau khi họp toàn bệnh viện với Cục trưởng Cục khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, được sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ Y tế, các bác sĩ đã quyết định đưa cả 10 bệnh nhân về bệnh viện Bạch Mai để theo dõi, điều trị làm sao an toàn nhất cho bệnh nhân.
“Ngay lúc đó, chúng tôi đã điện thoại ngay về khoa, yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nếu phải lọc máu” - TS Dũng cho biết. "3 bác sĩ là TS Cơ - Phó trưởng khoa hồi sức tích cực, thạc sĩ Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc và TS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa Thận Nhân tạo đã quyết định phân loại những bệnh nhân nặng thì đưa về khoa Điều trị tích cực, bệnh nhân sức khoẻ khá ổn định thì sẽ nằm ở khoa Thận tiết niệu, bệnh nhân khá hơn sẽ nằm ở khoa chống độc, số còn lại sẽ đưa lên khoa cấp cứu. Khoa Thận nhân tạo vì không có giường nội trú nên sẽ túc trực, bố trí nhân lực cần thiết thì lọc máu luôn" - TS Dũng cho biết.
Lúc 1 giờ sáng, các bệnh nhân được đưa về đến bệnh viện Bạch Mai, và được phân về các khoa như đã dự kiến. Cụ thể, 3 bệnh nhân được đưa lên Điều trị tích cực, 4 bệnh nhân về khoa thận tiết niệu và 2 bệnh nhân ở Chống độc, 1 bệnh nhân ở khoa cấp cứu. Đến khoảng hơn 2 giờ sáng, tình trạng các bệnh nhân khá ổn định.
Lúc 6 giờ sáng, 1 bệnh nhân ở khoa điều trị tích cực đang được lọc máu tiếp vì tình trạng bấp bênh về các chỉ số, nhưng hiện sức khoẻ có vẻ tốt lên. Một bệnh nhân khác đã ổn định. Ở khoa chống độc có 2 bệnh nhân thì 1 bệnh nhân chỉ số kali tăng một chút nhưng đó chỉ là các diễn biến của bệnh thận mãn. Dù vậy, chúng tôi vẫn rất cẩn thận, xếp bệnh nhân này lọc máu vào lúc 10 giờ sáng nay. Những bệnh nhân khác khá ổn định sẽ được theo dõi tiếp.
- Ngoài 10 bệnh nhân được đưa về Bạch Mai thì còn rất nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác tại bệnh viện tỉnh Hoà Bình sẽ được bố trí điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
Những bệnh nhân khác đang được theo dõi, điều trị chạy thận tại bệnh viện tỉnh Hoà Bình là vấn đề rất khó khăn mà chúng tôi đặt vấn đề ngay khi lên đến Hoà Bình. Đầu tiên chúng tôi nghĩ sẽ chuyển tất cả xuống Bạch Mai, nhưng đặc thù bệnh thận nhân tạo không thể làm như vậy nên chúng tôi cử một đồng chí ở phòng Kế hoạch Tổng hợp túc trực tại khoa Thận nhân tạo bệnh viện tỉnh Hoà Bình. Các nhân viên vẫn đi làm bình thường nhưng đến đây chỉ để đón tiếp bệnh nhân thôi.
Khoa này có 19 máy nhưng chỉ chạy 18 máy, như vậy chia làm 3 ca, mỗi ca 18 bệnh nhân. Số bệnh nhân không được lọc thận của ngày hôm qua là 36 bệnh nhân. Khi đến đây, nếu bệnh nhân nào khó thở nhiều, chúng tôi liên hệ sang lọc thận ở bệnh viện đa khoa thành phố, bên đó có 8 máy. Bệnh nhân khoẻ hơn thì 8 giờ sáng nay sẽ gọi điện thoại cho tôi, là người luôn túc trực điều để “điều phối” bệnh nhân.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đã gọi điện cho Giám đốc sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả các bệnh viện có khoa thận nhân tạo ở Hà Nội sẽ đón tiếp nếu có yêu cầu và lấy bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối.
Sáng nay, có 20 bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh Hoà Bình, tôi đã bố trí 10 bệnh nhân gửi đến bệnh viện đa khoa Hà Đông, 10 bệnh nhân nữa gửi sang bệnh viện Thận Hà Nội.
Tiếp đó, tôi sẽ ngồi túc trực tiếp và đến 10 giờ sáng, vào ca 2, dự kiến có khoảng 30 bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện Bộ Công an đã đồng ý tiếp nhận. Có khó khăn gì thì gọi cho Giám đốc sở Y tế Hà Nội, trường hợp nào phức tạp quá mà các bệnh viện không nhận thì sẽ đưa về Bạch Mai.
Ngày hôm nay là ngày khó khăn nhất, vì xử lý cùng một lúc 100 bệnh nhân là không đơn giản. Các ngày tiếp theo, sau khi có lịch của ngày hôm nay, chúng tôi sẽ cố định lịch chạy thận của các bệnh nhân tại các bệnh viện và các bệnh nhân sẽ được chạy thận theo đúng lịch, tại đúng địa điểm đã được phân bổ, không phải lo lắng gì nữa
- Vậy, việc khắc phục sự cố tại bệnh viện tỉnh Hoà Bình sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Với bệnh viện Hoà Bình, khoa Thận nhân tạo hiện nay tạm dừng để làm các thủ tục cần thiết, sau khi xong, chúng tôi sẽ cử các chuyên gia giỏi nhất, cố gắng khắc phục trong thời gian nhanh nhất. Nếu được phép của Bộ Y tế, của Cục khám chữa bệnh, các nhà chuyên môn thì chúng tôi sẽ lên để thẩm định lại toàn bộ, khắc phục lại toàn bộ các nguyên nhân, sớm đưa vào hoạt động để phục vụ bệnh nhân trong tỉn
- Vậy những nguyên nhân sẽ được thẩm đinh là gì?
Về nguyên tắc, tất cả những gì liên quan đến lọc máu, tiếp xúc với bệnh nhân đều có thể gọi là yếu tố nguy cơ như: nước, dịch lọc, thuốc, màng lọc…, chúng tôi sẽ phải rà soát từng yếu tố để tìm nguyên nhân, và sẽ có biện pháp xử lý triệt để.
Thận nhân tạo rất nhiều công đoạn, rất phức tạp, chỉ sơ sẩy một công đoạn là xảy ra sự cố như vừa rồi, rất nguy hiểm.
- Cho đến thời điểm này, các bác sĩ có nghiêng về nguy nguyên nhân nào không?
Tất cả những yếu tố có tính chất đồng loạt đều phải nghĩ đến như: chung một nguồn nước, chung một nguồn dịch… chúng tôi sẽ loại dần những gì hay gặp nhất, hay gặp nhì… kết hợp với trên Hoà Bình để phân tích từng yếu tố. Nếu do yếu tố kỹ thuật có xảy ra sự cố thì chỉ xảy ra trên 1 người, còn do công nghệ thì có thể hàng loạt. Rất nguy hiểm.
- Xin bác sĩ cho biết, nước để chạy thận nhân tạo là loại nước gì?
Nước để chạy thận là nước tinh khiết hoặc nếu dùng các kỹ thuật cao hơn thì phải siêu tinh khiết. Hiện nay như ở Bạch Mai, chúng tôi dùng cả tinh khiết và siêu tinh khiết bởi có những loại máy bắt buộc phải là siêu tinh khiết. Nước được lọc ngay tại bệnh viện, mỗi một ngày khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai dùng 70-80 m3 nước, lọc bằng công nghệ đi kèm theo các thiết bị
- Quá trình xem xét, sàng lọc các nguyên nhân có mất nhiều thời gian không, thưa bác sĩ?
Quá trình sàng lọc mất khá nhiều thời gian. Những bệnh nhân đã tử vong thì không có cách nào cứu được. Bây giờ, quan trọng nhất là tìm để xem khâu nào quan trọng, khâu nào bắt buộc phải kiểm định thường xuyên, khâu nào kiểm định định kỳ, khâu nào không thể bỏ qua… và sau này bắt buộc tất cả các cơ sở có chạy thận nhân tạo đều phải tuân theo.
- Là người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, bác sĩ đã bao giờ gặp hoặc biết một trường hợp nào bị “dính chùm” như thế này chưa?
Khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai một ngày chạy thận 300 ca. Không có đơn vị nào nhiều như vậy, việc xảy ra những ca đơn lẻ thì có, nhưng ồ ạt nặng thì không. Trên thế giới cũng vậy.
Thỉnh thoảng cũng có bệnh nhân chạy thận ở các bệnh viện khác bị sốt, bị rét, người ta báo một cái là rất đau đầu, xin ý kiến giám đốc đồng ý là đi ngay, thậm chí vừa đi vừa xin phép. Đến đó rồi, lại ngồi để xem xét, có những nguyên nhân “chẳng giống ai”, rất là khó, nhưng chưa bao giờ có trường hợp tử vong nhiều như thế này.
Tuệ Khanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc