(VnMedia) - “Đây là nhu cầu rất bức xúc của tỉnh vì các nghĩa trang tập trung đều đã hết chỗ. Thậm chí người chết phải đưa sang Sơn Tây, Phú Thọ để hỏa táng rồi đưa về. Rất mong các cơ quan, báo chí thông cảm cho Vĩnh Phúc”, ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị.
Ngày 16/5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Theo thống kê, từ đầu năm 2016 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc được giao 760 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 637 nhiệm vụ. Còn 121 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và có 2 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa hoàn thành.
Mở đầu buổi kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh giải trình, làm rõ về 6 vấn đề, trong đó có nhiều vấn đề báo chí, dự luận quan tâm.
Cụ thể là, công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản ở Vĩnh Phúc được phản ánh vẫn bộc lộ không ít bất cập, yếu kém, gây bức xúc cho nhiều người dân. Tình trạng khai thác cát sỏi trên các dòng sông chảy qua địa bàn tỉnh diễn ra ngang nhiên tại địa bàn xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, đất nông nghiệp bị cuốn trôi, ảnh hưởng hệ thống đê kè.
Đặc biệt là thường xuyên xảy ra xung đột giữa các doanh nghiệp, người dân gây mất trật tự trên địa bàn. Các công trường khai thác tài nguyên trái phép vẫn diễn ra công khai, một số khu vực đồi núi bị “băm” nham nhỡ, khiến một lượng lớn đất đai bị tàn phá.
“Tổ công tác mong muốn tỉnh làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với tình trạng này như thế nào, tỉnh có giải pháp gì khác phục”, ông Lục đề nghị.
Ông Nguyễn Cao Lục cũng nêu rõ, việc Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) để làm công viên nghĩa trang vấp phải sự phản đối của hàng trăm hộ dân thuộc huyện Tam Đảo và các chuyên gia. Theo đó, các chuyên gia bình luận, chủ trương này của Vĩnh Phúc không thể chấp nhận, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch, đang đi ngược với chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Nghiêm trọng không kém là vụ việc chặt phá hàng nghìn m2 rừng trên núi Đá Bia, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Theo ông Lục, người dân phản ánh các đối tượng chặt phá rừng không thương tiếc, diễn ra từ năm 2016, hiện còn vẫn còn chặt phá rừng trái phép, hoạt động hết công suất, san lấp mặt bằng như một công trường.
Báo cáo đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Trì khẳng định đã có những giải pháp tích cực đối với nạn khai thác cát trái phép trên sông Lô gây sạt lở. Trước đây, thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giữa người dân và cát tặc, thậm chí cát tặc bắn nhau với dân, nhưng nay đã chuyển biến tích cực hơn.
Về chủ trương phá rừng phòng hộ trên núi Ngang (huyện Tam Đảo) để xây dựng công viên nghĩa trang, ông Trì cho biết, hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản xin dừng dự án. Tuy nhiên, đây là nhu cầu rất bức xúc của tỉnh vì các nghĩa trang tập trung đều đã hết chỗ. “Thậm chí người chết phải đưa sang Sơn Tây, Phú Thọ để hỏa táng rồi đưa về. Rất mong các cơ quan, báo chí thông cảm cho Vĩnh Phúc”, ông Trì đề nghị.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng khẳng định hoàn toàn không có chuyện dự án này còn nhằm mục đích khai thác tận thu khoáng sản dưới lòng đất. Bởi tại đây tuy có một loại quặng nhưng hàm lượng rất thấp, có doanh nghiệp đã từng khai thác nhưng rồi bỏ. “Tỉnh cũng sẽ tiếp tục rà soát tổng thể để tìm địa điểm thích hợp nhất xây dựng nghĩa trang” - ông Trì báo cáo.
“Hiện đồi vẫn nguyên, cây vẫn nguyên”, ông Trì nhấn mạnh và cho biết, dọc đường quốc lộ phải có đến vài chục điểm là nghĩa trang. Theo ông, Vĩnh Phúc xây đô thị mà toàn nghĩa trang thì không ổn, nên quy hoạch xây nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững.
Làm rõ thêm vấn đề, Phó Chủ tịch tỉnh Vũ Chí Giang nói: “Xin khẳng định, quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Trong thuyết minh đã có vị trí này và bây giờ chúng tôi mới có cơ hội đặt vấn đề căn cơ để thực hiện”
Cũng theo ông Giang, đối chiếu với các tiêu chí tại thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thì khu vực rừng quy hoạch làm nghĩa trang sớm đưa ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phát triển kinh tế xã hội, chứ không phải rừng phòng hộ đầu nguồn.
Đối với việc thu hồi 256 ha đất nông nghiệp cho khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh An Tường của Tập đoàn FLC tại huyện Vĩnh Tường, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đây là việc rất cần làm trong quá trình phát triển và sẽ tiến đấu giá đất. “Ai làm cũng được chứ không nhất thiết là FLC, miễn là có lợi cho dân, cho tỉnh”, ông Trì nói.
Về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình liên quan tới dự án cụm công nghiệp làng nghề thị trấn Thanh Lãng, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết, UBND tỉnh sẽ sớm tổ chức buổi công khai xin lỗi người dân, giải quyết triệt để vấn đề này.
Kết lại nội dung này, ông Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc rà soát lại các quy hoạch xem đâu là rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất, kể cả quy hoạch công viên Vĩnh Hằng. Công viên Vĩnh Hằng nếu khai thác được thì tốt, có cảnh quan, đỡ tốn đất, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thì tốt. "Cái gì dân cần thì chúng ta sẽ xem xét", ông Lục nói.
Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Cũng liên quan đến Vĩnh Phúc, Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTCP ngày 03/05/2017, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1203/KL-TTCP, ngày 17/05/2016 của Tổng thanh tra Chính phủ thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc (thời kỳ 2001-2010) và ý kiến chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra của Thủ tướng Chính phủ;
Thời gian tiến hành kiểm tra trong 10 ngày làm việc thực tế (không kể ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định; Tổ kiểm tra do ông Hoàng Đức Quỳnh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc