(VnMedia) - Ngày 17/5 tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, với sự tham dự của 10.000 đại biểu.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ khai mạc lúc 7 giờ 30 phút ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Chủ đề Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.
Khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu. Dự kiến, tổng cộng khoảng gần 10.000 đại biểu sẽ dự Hội nghị.
Dự kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI sẽ báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết này.
Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận và sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị đã có có 18 bộ, ngành, 48 địa phương đã gửi báo cáo về việc thực hiện các vấn đề nêu trong Nghị quyết 35, hiện các bộ ngành và VCCI đang tổng hợp, sẽ có văn bản chính thức và sẽ được đăng tải công khai để doanh nghiệp, báo chí quan tâm theo dõi.
Trước Hội nghị, toàn bộ các báo cáo của các Bộ, cơ quan liên quan sẽ được công bố trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Việc Thủ tướng đối thoại với DN tại hội nghị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao, là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong quá trình khởi nghiệp, phát triển.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, môi trường kinh doanh hiện nay được cải thiện nhiều, điển hình như xoá bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định trong các Thông tư của các Bộ hay trong Quyết định của UBND tỉnh, Quốc hội ban hành danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện...
Vì thế, trong một năm, số DN đăng ký thành lập mới vượt qua mức 10 vạn, số vốn đăng ký tăng nhiều, nhất là trong thị trường bất động sản.
Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng, một số mặt vẫn còn yếu kém như vấn đề nộp thuế, phá sản doanh nghiệp, giấy phép xây dựng...
Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường. Theo ông Liêm, nên từ bỏ phương thức ban đầu quy định hết sức gò bó rồi nới lỏng dần theo đề nghị của DN, mà nên làm ngược lại, lúc đầu quy định hết sức thoải mái rồi căn cứ vào vào sự xuất hiện các tiêu cực của thị trường mà thắt lại dần để ngăn chặn.
Đồng thời, nên rà soát lại chế độ phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh: Nhiều địa phương đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin, Chính phủ có điều kiện trực tiếp quản lý nhiều việc mà không cần phân cấp, không sợ quan liêu trì trệ.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, ngay cả các DN lớn cũng gặp khó khăn về vướng mắc thủ tục hành chính, doanh thu và chi phí sản xuất, nhân sự… chứ chưa nói đến các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.
“Các khó khăn này là luôn luôn hiện hữu và DN quy mô càng nhỏ thì càng khó tiếp cận vốn vay, tỷ trọng doanh thu đầu ra để bù đắp chi phí đầu vào càng thấp, lợi nhuận biên mỏng.” – ông Quốc Anh nhận định.
Phần nữa cũng vì DN nhỏ, nguồn lực mỏng nên hiểu biết về thị trường, tình hình kinh doanh, quy trình làm việc chưa chuyên nghiệp nên cũng khó khăn khi làm việc với đối tác, bạn hàng và cả cơ quan quản lý.
Trong khi đó, bộ máy quản lý vẫn chưa vận hành đồng bộ hoàn toàn, có triển khai nhưng chưa quyết liệt và trình độ quản lý hành chính chưa cao.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các DNNVV Hà Nội, các DN đặt kỳ vọng nhiều vào hội nghị Thủ tướng với DN 2017 năm nay.
“Nghị quyết đã đề ra, chương trình hành động đã có và triển khai được một năm, chúng ta cần sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa bộ máy quản lý hành chính và DN mà hội nghị Thủ tướng sẽ là bước nền để đưa cơ quan Nhà nước gần lại với DN hơn. Quan hệ giữa hai bên có chặt chẽ thì Nhà nước mới có thể tháo gỡ khó khăn được cho DN” - ông Mai Quốc Anh nhấn mạnh.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc