(VnMedia) - Sau khi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc liên tục trong hai tháng để chữa bệnh đau khớp gối, một bệnh nhân nữ 30 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng liệt tứ chi, tổn thương thần kinh… do bị ngộ độc chì.
Ngày 11/4/2017, Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm đang điều trị cho một nữ bệnh nhân 30 tuổi đến từ Chương Mỹ, Hà Đông, Hà Nội do bị ngộ độc chì và liệt rất nặng.
Bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc từ ngày 24/3/2017 với bệnh cảnh chính là thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy, cũng không thể tự nghiêng mình được.
Người nhà bệnh nhân cho biết, vào khoảng tháng 9/2016, bệnh nhân bị đau hai bên đầu gối nên đã mua thuốc nam về uống. Sau hai tháng uống thuốc “đều đặn”, đến tháng 9/2016 bệnh nhân bắt đầu xuất hiện hiện tượng yếu chân tay, xanh xao, thiếu máu, sụt cân.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài. Nồng độ chì trong máu cao: 188,79 microgam/100 ml. Rất may là BN còn giữ lại mẫu thuốc mang đến bệnh viện và sau khi xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng chì trong mẫu thuốc nam là 2,95% (cao gấp nhiều lần mức cho phép).
Kết quả xét nghiệm điện cơ và kiểm tra trên người cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thần kinh nặng nề, không thể vận động tự chăm sóc bản thân, teo cơ và giảm sút cân nghiêm trọng.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được điều trị thải độc chì cùng những chế độ chăm sóc đặc biệt, sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển đáng kể, có thể đứng lên và tự đi lại được, tuy nhiên BS cũng cho biết việc thải độc chì cần điều trị lâu dài kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng.
Theo các chuyên gia, chì là một chất cực độc, khó thải loại nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, liệt thần kinh mắt,suy thận. Để tự thải trừ một lượng lớn chì ra khỏi cơ thể, đôi khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh nhiễm độc chì, cần chú ý cải thiện điều kiện sinh hoạt và làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó có thể xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh, không xác định được thành phần hoạt chất trong thuốc. Nếu có những biểu hiện bất thường như sụt cân, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, co giật.... nên đưa bệnh nhân đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc