(VnMedia) - Thông tư 91/2015/TT-BGTVT làm số vụ tai nạn giao thông tăng tại các tuyến đường được phép tăng tốc độ; trong các vụ va chạm, 50% nguy cơ tử vong nếu tốc độ lớn hơn 45km/h, thậm chí gần như không có cơ hội sống sót nếu tốc độ lớn hơn 80km/h.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) mới đây đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét hạ tốc độ lưu thông tối đa trong đô thị xuống dưới 50km/h để giảm tai nạn.
Tại buổi công bố kế hoạch tổ chức Tuần lễ an toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Tốc độ” diễn ra ngày 25/4 vừa qua, TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Theo TS Lokky Wai, vấn đề này có thể ngăn ngừa được bằng cách di chuyển với tốc độ thấp hơn, bởi chỉ cần giảm 5% tốc độ chạy xe trung bình có thể giảm được 30% số vụ tai nạn giao thông chết người.
Do vậy, ông Lokky Wai kiến nghị nên điều chỉnh giảm tốc độ tối đa khu đô thị, khu đông dân cư, khu trường học từ 60km/h hiện nay xuống còn 50km/h.
TS Lokky Wai cũng nhấn mạnh rằng, khi cầm lái với tốc độ cao, tài xế khó có thể dừng ngay và ảnh hưởng tác động quán tính mạnh hơn, khả năng gây ra vết thương nghiêm trọng, tổn thất tính mạng cao. Ngược lại, khi giảm tốc độ chạy xe sẽ giảm thương vong và mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông.
Liên tưởng Hà Nội, một đô thị lớn tập trung dân cư, lượng tham gia giao thông đông đúc với các đô thị khác trên thế giới, ông Lokky Wai cho biết, có thể phải giảm tốc độ xuống còn 30km/h ở các khu vực gần trường học và khu đông dân cư.
Quan điểm này của chuyên gia WHO được rất nhiều người đồng tình, tuy nhiên vẫn có ý kiến e ngại rằng, quy định giảm tốc độ lưu thông tối đa có thể hiểu ngầm là sự “đi lùi” của ngành giao thông, bởi hiện nay, do được đầu tư nên chất lượng đường sá đã tốt hơn. Thậm chí, quy định như vậy có thể mâu thuẫn với Thông tư 91 có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 của Bộ GTVT.
Theo đó, Thông tư 91 cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới gồm ôtô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, kể cả xe máy điện… thêm 10km/h ở khu vực đông dân cư. Trên đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), các loại xe cơ giới được chạy tối đa 60km/h trên đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên và được chạy tối đa 50km/giờ tại đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Liên quan đến vấn đề này, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe của Canada (HealthBridge) tại Việt Nam vừa phát đi thông cáo báo chí để nêu quan điểm đối với việc giảm tốc độc tối đa của xe cơ giới trong đô thị.
Theo đó, với bằng chứng nghiên cứu qua các dự án về an toàn đường bộ rằng tăng tốc độ giao thông tỉ lệ thuận với tăng tai nạn giao thông và tử vong, cùng với tham khảo các các tiêu chuẩn quốc tế, dự án Thành phố Sống tốt – Tổ chức HealthBridge Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị.
Theo đó, tốc độ giao thông tối đa trong khu vực nội đô không nên vượt quá 50km/h; Tốc độ giao thông tối đa tại các khu vực có mật độ người đi bộ và đạp xe cao không nên vượt quá 30km/h, ví dụ như tại khu vực xung quanh các trường học, không gian công cộng; Kiểm soát và quản lý tốc độ giao thông của các phương tiện cơ giới thông qua thiết kế cũng cần được quan tâm.
HelthBridge cũng khuyến nghị một vài giải pháp can thiệp vật lý về hạ tầng nên áp dụng tại khu vực trung tâm đô thị nhằm giảm tốc độ của xe cơ giới.
Cụ thể, thi công gờ giảm tốc và các giải pháp giảm tốc tương tự như đệm giảm tốc, các lối qua đường cho người đi bộ được tôn cao, hoặc các nút giao được tôn cao, mở rộng vỉa hè tại các nút giao, thu hẹp bán kính quay tại các góc vỉa hè của nút giao là các giải pháp can thiệp vật lý nên được áp dụng nhằm nhằm giảm tốc độ giao thông của các phương tiện cơ giới từ đó tăng an toàn cho các phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông khác.
Bố trí hai đèn tín hiệu giao thông liền kề với khoảng cách hợp lý để hạn chế các phương tiện cơ giới tăng tốc độ. Với những đoạn phố có khoảng cách giữa 2 nút giao lớn dễ dàng cho các phương tiện cơ giới tăng tốc, cần bố trí các lối qua đường có đèn tín hiệu giữa phố để làm cho việc đi bộ qua đường an toàn hơn và làm giảm cơ hội tăng tốc của phương tiện cơ giới.
Cùng với quy định về tốc độ tối đa, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe cũng cho rằng, các giải pháp thiết kế đường phố giảm tốc độ thì truyền thông và thực thi các quy định là rất quan trọng và khuyến nghị tăng cường thông tin đại chúng về an toàn giao thông và tốc độ tối đa nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới chấp hành luật pháp về tốc độ tối đa.
Áp dụng các công nghệ mới để giám sát tốc độ phương tiện giao thông cơ giới như hệ thống định vị toàn cầu GPS hay lắp đăt các rada và máy chụp ảnh, quay phim tự động để giám sát tốc độ của phương tiện. Đây là những giải pháp mới hiệu quả để kiểm soát tốc độ giao thông đô thị.
“Những khuyến nghị của chúng tôi dựa trên bằng chứng quốc tế: tăng tốc độ đồng nghĩa với tăng nguy cơ tai nạn giao thông.” - Thông cáo báo chí khẳng định và cho biết, theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế về an toàn đường bộ thì tốc độ là một yếu tố nguy cơ chính gây ra tai nạn giao thông và tử vong.
“Cùng với một số yếu tố khác như: uống rượu bia khi lái xe, không đội mũ bảo bảo hiểm, không thắt dây an toàn, tầm nhìn hạn chế thì tăng tốc độ cũng là nguyên nhân chính góp phần gây mất an toàn đường bộ và cần được xem xét. Tốc độ cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các va chạm giao thông nghiêm trọng dẫn tới tử vong. Việc gia tăng tốc độ giao thông đô thị luôn đi kèm với việc gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông.” - Thông cáo báo chí nhấn mạnh.
Theo phân tích của ông Đinh Đăng Hải, Chuyên gia của HelthBridge thì trong các va chạm giao thông, tốc độ và khả năng tử vong liên quan chặt chẽ với nhau.
Ông Hải dẫn chứng: theo nghiên cứu của Erik Rosén, một chuyên gia an toàn giao thông, tốc độ giao thông trung bình tăng 1km/h làm tăng khả năng va chạm và tai nạn giao thông từ 3-5%. Còn theo nghiên cứu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì trong các va chạm giao thông thì con người có tới 90% cơ hội sống sót khi tốc độ của phương tiện cơ giới khi va chạm dưới 30km/h, nhưng tới 50% nguy cơ tử vong nếu tốc độ lớn hơn 45km/h, thậm chí gần như không có cơ hội sống sót nếu tốc độ lớn hơn 80km/h.
Tại Việt Nam, sau một năm thực hiện việc tăng giới hạn tốc độ giao thông thêm 10km/h1, kết quả đạt được dường như đang đi ngược lại với mong muốn về hạn chế tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam.
Cụ thể, tại hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, Sở GTVT TP.HCM cho biết số vụ tai nạn giao thông tăng tại 9/12 tuyến đường chính tại TP.HCM được phép tăng tốc độ theo thông tư này. Một số tuyến đường tăng cả ba mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương) như: Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh), Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi), Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn). TNGT đã xảy ra trên 278 tuyến đường, trong đó có 6 tuyến đường xảy ra trên 10 vụ như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng… đặc biệt số người chết tăng 20%.
“Gia tăng tai nạn giao thông có thể còn từ nhiều nguyên nhân khác nhưng chắc chắn việc tăng giới hạn tốc độ là một nguyên nhân quan trọng.” - Thông cáo báo chí của HelthBridge một lần nữa khẳng định.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc