Sự thật việc báo VnMedia bị kiện đòi bồi thường 10 tỷ

08:23, 13/04/2017
|

(VnMedia) – Trước khi bị khởi tố, bắt giam Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng - Lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã nhiều lần đâm đơn kiện, đòi VnMedia bồi thường 10 tỷ đồng vì đã đăng bài vạch trần thủ đoạn làm ăn mờ ám của mình.

Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã bị bắt giam

Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã bị bắt giam

Ngày 12/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An đã ra quyết định khởi tố, bắt giam  2 đối tượng là Trần Đức Trung (56 tuổi) và Lê Thị Hằng (54 tuổi) – nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 139 BLHS).

Vào thời điểm tháng 10/2015, thông qua đường dây nóng Báo điện tử VnMedia đã nhận được phản ánh của một số nông dân tại xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa về hoạt động bất thường của chương trình “Trái tim Việt Nam” – do Trung tâm hỗ trợ người nghèo của ông Trung khởi xướng.

Lấy mục đích hỗ trợ người nghèo, Trần Đức Trung đã kêu gọi người dân tham gia đóng tiền cho Chương trình trái tim Việt Nam để hưởng lãi suất cao. Theo đó, 1 người đóng 1,2 triệu đồng/suất- sau 6 tháng sẽ nhận lại 5 triệu đồng; đóng 7 triệu đồng sẽ được hưởng 50 triệu đồng, đóng càng nhiều lợi nhuận càng cao.

Tuy nhiên, khi nộp tiền, Trung chỉ đạo các trưởng chi nhánh ghi phiếu thu. Sau đó vài ngày, các trưởng điểm mới đến từng nhà đề nghị người dân đã đóng tiền ký vào đơn tự nguyện tham gia chương trình “Trái tim Việt Nam”. Điều này có nghĩa, số tiền người dân đã đóng là tự nguyện. Trong tờ đơn, không có bất cứ đong chữ nào cam kết sẽ trả lãi suất như đã nói. Từ đây, nhiều người nông dân đã tá hỏa phát giác mình bị lừa và đòi lại tiền nhưng Trung tâm không trả được.

Theo xác minh của Pv, với thủ đoạn này, chỉ trong vòng 6 tháng,Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã lập khoảng 30 chi nhánh Trung tâm tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… để thu tiền. Tổng cộng đã có khoảng 40.000 người nông dân tham gia đóng tiền cho Trung tâm. Trong đó, có nhiều gia đình đã đi vay ngân hàng, vay nặng lãi hàng chục triệu đồng để đóng cho Trung, Hằng. Hiện tại, họ rơi vào cảnh trắng tay.

Điều đáng nói, để tạo được niềm tin cho người dân nghèo, Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã sử dụng hình ảnh, thư chúc mừng của các vị lãnh đạo cấp cao cắt ghép dán tại các điểm thu tiền nhằm phô trương thanh danh. Không những thế, tại các buổi hội thảo, Lê Thị Hằng đã nhiều lần giới thiệu với bà con nông dân “Chương trình trái tim Việt Nam” được các lãnh đạo lớn bảo trợ để bà con tin tưởng nộp tiền cho Trung tâm.

Ngay sau khi báo điện tử VnMedia cùng nhiều cơ quan báo chí phanh phui những điểm bất thường của Trung tâm hỗ trợ người nghèo, đầu tháng 12/2015, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu cơ quan chủ quản ra quyết định giải thể Trung tâm hỗ trợ người nghèo, thu hồi con dấu bàn giao cho cơ quan công an. Đồng thời, Cục an ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp A86 Bộ Công an cùng Cơ quan an ninh – Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ án. Sau gần 2 năm, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt giam Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản – điều 139 Bộ Luật hình sự.

Trong quá trình cùng các cơ quan chức năng phối hợp điều tra, báo điện tử VnMedia cùng nhiều cơ quan ngôn luận khác đã bị Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng đâm đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng. Mục đích chính là cản trở không cho các cơ quan báo chí đưa tin, viết bài về hoạt động của Trung tâm này.

Thậm chí, Trần Đức Trung đã đến báo điện tử VnMedia và các cơ quan báo chí để yêu cầu bồi thường cho Trung số tiền từ 2 tỷ đến 10 tỷ đồng. Riêng báo điện tử VnMedia bị Trung đòi bồi thường 10 tỷ đồng, nếu không sẽ đâm đơn kiện ra Tòa. 

Để gây áp lực, ngày 15/11/2015,  Trần Đức Trung đã lôi kéo hơn 100 người - là các trưởng chi nhánh của Trung tâm tại các tỉnh đến một cơ quan báo chí lớn của Chính phủ để biểu tình và đưa ra yêu sách đòi phát bài bảo vệ danh dự cho Trung tâm. Ngay sau đó, Trần Đức Trung đã bị Công an Hà Nội triệu  tập khẩn cấp.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trước khi bị bắt, Trần Đức Trung vẫn tiếp tục gửi đơn kiện 22 cơ quan báo chí để yêu cầu gỡ các bài báo đã đăng.

Mặc dù, Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã đưa ra nhiều thủ đoạn để  chống đối nhằm cản bước các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 10-12/2015, đã có hàng trăm bài báo được đăng tải vạch trần thủ đoạn lừa đảo của Trần Đức Trung và cảnh báo người dân không tham gia đóng tiền cho chương trình Trái tim Việt Nam.

"Nữ đại sứ thiện chí" Lê Thị Hằng là ai?

Trong quá trình viết loạt bài điều tra về Trung tâm hỗ trợ người nghèo, PV VnMedia đã có buổi làm việc với Giáo sư Hoàng Chương –người đã từng giúp Lê Thị Hằng khởi xướng chương trình Trái tim Việt Nam.

Theo lời kể của GS Hoàng Chương, nhiều năm trước đây, Lê Thị Hằng – Việt kiều ở Đức về Việt Nam làm ăn có đề xuất GS. Hoàng Chương và GS. Vũ Khiêu về việc lập chương trình ủng hộ người nghèo. Do nhận thấy đây là chương trình rất nhân văn nên cả GS. Chương và GS. Vũ Khiêu đều rất ủng hộ. Thậm chí, hai vị giáo sư còn nhận đỡ đầu cho chương trình. Đích thân GS. Chương và GS. Vũ Khiêu đã viết thư kêu gọi nhiều Bộ, ban ngành ủng hộ cho chương trình này.

Bảng dán các bức thư tay của Lãnh đạo cấp cao được treo trong phòng thu tiền của Trung tâm

Bảng dán các bức thư tay của Lãnh đạo cấp cao được treo trong phòng thu tiền của Trung tâm

GS. Chương cũng đã nhận bà Lê Thị Hằng vào làm việc tại cơ quan và bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc VN đã miễn nhiệm mọi chức danh của bà Hằng.

Theo GS. Chương, nhiều năm nay, GS không có quan hệ gì với ông Trung và bà Hằng nhưng nhiều thông tin cho biết, hai người này vẫn sử dụng những giấy tờ có chữ ký của GS. Chương để photo và scan dấu, chữ ký để đến cách địa phương làm ăn. GS. Chương và GS. Vũ Khiêu đã nhiều lần phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 2 người này phải gỡ ảnh xuống nhưng cả hai người này đều ngoan cố, không nghe.

GS. Chương cũng cho biết, đã có rất nhiều lãnh đạo Nhà nước và các giáo sư hàng đầu của Việt Nam cũng bị hai người này sử dụng photo và scan chữ ký các văn bản giấy tờ để trưng ra, tạo uy thế với lãnh đạo các địa phương.

Trần Đức Trung đã từng bị lĩnh án tù

Qua xác minh tại nhiều cơ quan Trần Đức Trung đã từng công tác, được biết, Trần Đức trung đã từng công tác tại Cục hải quan Hà Nội. Năm 1993, ông Trung đã từng bị khởi tố và bắt giam về tội danh Giả mạo giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội theo điều 211 Bộ Luật hình sự.

Năm 1995, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án ông Trung phạm tội theo điều 211 Bộ Luật hình sự, và nhận án tù 2 năm. Do phạm tội, Cục Hải quan Hà Nội đã ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng và sa thải Trần Đức Trung.

Sau khi ra tù, Trần Đức Trung đã về ký hợp đồng với một số báo làm công tác phát hành, quảng cáo tại báo Nhà báo và Công luận. Năm 2011, Trung đã bị Lãnh đạo báo cho nghỉ việc.  Mặc dù không còn công tác tại tờ báo này, Trần Đức Trung vẫn sử dụng thẻ nhà báo tại Báo Nhà báo và công luận và mạo danh là Phó tổng biên tập để liên hệ làm việc tại nhiều địa phương.  Việc ông Trần Đức Trung tiếp tục sử dụng thẻ Nhà báo với tư cách báo Nhà báo & Công luận để hoạt động báo chí là một việc làm bất hợp pháp. Ngày 17/12/12015, Cục Báo chí và Cục an ninh báo chí A87 (Bộ Công an) đã phải cưỡng chế thu hồi thẻ nhà báo của Trần Đức Trung. 

Được biết, trước khi bị bắt, Trần Đức Trung là Phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu

Khánh An


Ý kiến bạn đọc