Hà Nội: Uống rượu ở quận Ba Đình, một người nguy kịch

08:14, 09/04/2017
|

(VnMedia) - Đến 16h00 ngày 8/4, xét nghiệm Methanol trong máu đã âm tính nhưng bệnh nhân (ngụ tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao.

Ngộ độc rượu methanol
Bệnh nhân ngộ độc rượu Methanol được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, tính mạng nguy kịch
Theo thông tin từ TT Chống độc bệnh viện Bạch Mai, đêm 6/4, Trung tâm đã tiếp nhận một bệnh nhân nam tên B.H. P (sinh năm 1965), ở Ngọc Khánh Ba Đình Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê do rượu.

Theo đó, sau 24h uống rượu ở một địa chỉ gần nhà và ở Đê La Thành, bệnh nhân B.H.P có dấu hiệu của ngộ độc và được bệnh viện Giao thông vận tải chuyển đến Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hoá.

Xét nghiệm thấy nồng độ Methanoltrong máu lên đến 45,9 mg/dl, bệnh nhân đã được Trung tâm chống độc điều trị bằng tất cả các liệu pháp tích cực đối với một tình trạng ngộ độc Methanol.

Đến 16h00 ngày 8/4, xét nghiệm Methanol trong máu đã âm tính nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng nề, nguy cơ di chứng và tử vong rất cao.

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: từ tháng 1/2017 đến nay, đây là bệnh nhân thứ 34 Trung tâm phải cấp cứu do ngộ độc Methanol, trong đó một bệnh nhân đang điều trị tích cực tại bệnh viện nhiệt đới Trung ương được nhập viện trong bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, cũng được xác định có ngộ độc Methanol sau khi Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch mai trả lời xét nghiệm có nồng độ Methanol cao trên 25mg/dl.

Trong số đó, có 9 bệnh nhân tử vong tại viện hoặc nặng gia đình xin về, nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng dù đã được lọc máu thải độc tích cực, tốn kém kinh phí không nhỏ.

Điều đáng nói, những nỗ lực của bệnh viện không thể giải quyết được vấn đề gốc rễ, đó là việc quản lý Methanol và rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường. Người dân không thể tự phân biệt được rượu có methnol và không có methanol; các dấu hiệu ngộ độc lại rất muộn, thường phải sau 24h, bệnh nhân đến viện lại chậm hơn nữa nên việc cấp cứu rất khó khăn.

Trước tình trạng liên tục có bệnh nhân ngộ độc rượu có Methanol, bệnh viện Bạch Mai cũng đã kịp thời chia sẻ thông tin, thông qua các kênh truyền thông đại chúng để khuyến cáo người dân nói không với rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo rà soát, kiểm soát việc bán rượu, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bộ Công Thương cũng đã vào cuộc siết mạnh việc quản lý Methanol, nhưng những vụ ngộ độc rượu Methanol vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc