Hà Nội: "Sát thủ" thầm lặng vượt quy chuẩn ở mọi điểm quan trắc

06:29, 06/04/2017
|

(VnMedia) - Benzen, một chất được coi là “sát thủ thầm lặng” có thể gây ra bệnh ung thư máu, đã vượt ngưỡng cho phép ở hầu hết các vị trí quan trắc tại Hà Nội từ 1,2 - 1,5 lần.

Đây là thông tin được đưa a tại Hội thảo quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội, tổ chức ngày 4/4.

benzen
Tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng benzen vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 06:2009/BTNMT từ 1,2-1,5 lần 

Ô nhiễm benzen, tiếng ồn

Báo cáo tại Hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, theo kết quả quan trắc môi trường không khí tại các trục đường giao thông các giai đoạn 2011-2014 và giai đoạn 2015-2016 thì tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng benzen vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 06:2009/BTNMT từ 1,2-1,5 lần.

Cùng với đó, độ ồn tại đa số các vị tri quan trắc cũng đều vượt QCVN. Các khu vực nổi cộm là khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm với các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao như bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, bến xe Nước Ngầm, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng, điểm đỗ xe buýt Long Biên, Bến xe Giáp Bát, ngã tư Cầu Diễn.

Tuy nhiên, chất lượng không khí tại 8 khu công nghiệp được quan trắc có kết quả đạt mức từ trung bình đến tốt. “Xu hướng biến đổi chung của các khu công nghiệp là chất lượng môi trường không khí ngày càng được cải thiện theo thời gian.” - báo cáo nêu.

Tương tự, chất lượng môi trường không khí tại 22 Cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp được quan trắc cũng có kết quả qua các năm đạt mức từ trung bình đến tốt, và xu hướng biến đổi chung của các Cụm công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp là chất lượng môi trường không khí ngày càng được cải thiện vào năm cuối chu kỳ (2014), năm 2015, năm 2016.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí ở các làng nghề cũng cho thấy ngày càng được cải thiện.

Tại các khu dân cư, chất lượng không khí tại các phường có xu hướng ngày càng cải thiện, nhưng chỉ ở mức kém đến trung bình.

Như vậy, có thể thấy, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian. Các trục đường giao thông và các khu vực xây dựng đang bị ô nhiễm nặng về bụi, benzen và tiếng ồn. Các làng nghề cơ khí ô nhiễm bụi, làng nghề tre đan hay chế biến gỗ bị ô nhiễm benzen.

Tại các khu công nghiệp, một số chỉ tiêu ở một số thời điểm vượt nhẹ, nhưng riêng chỉ tiêu benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 06 nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt là do sự gia tăng các phương tiện giao thông.

Benzene là một trong 20 loại hóa chất được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống con người hiện đại và có trong danh sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người. Nhiễm benzene ở nồng độ cao trong thời gian dài sẽ bị leukemia (thường được biết với tên ung thư máu hay bệnh máu trắng).

Đô thị hóa và sự gia tăng phương tiện cá nhân

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân khiến cho môi trường không khí tại Hà Nội chưa được cải thiện, thậm chí có chỉ số liên tục gia tăng (như benzen) là vì việc lồng ghép các vấn đề môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa được quan tâm, chú trọng; tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trât tự xây dựng chưa chặt chẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ô nhiễm bụi.

Cùng với đó, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông quá lớn so với sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, một số phương tiện tham gia giao thông quá cũ, hết niên hạn sử dụng.

Trong khi đó, chủ đầu tư các công trình xây dựng được đánh giá là chưa tuân thủ theo các quy định về bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng, xe chở nguyên vật liệu, phế thải không che chắn kín, không có cầu rửa xe hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.

Tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng còn do một số tuyến đường giao thông bị xuống cấp. Một số trạm trộn bê tông tự phát trên một số địa bàn quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hoài Đức cũng góp phần gây ô nhiễm bụi.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông

Báo cáo do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình bày cũng nhận định, kiểm soát ô nhiễm nguồn thải công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa chú trọng đến kiểm soát nguồn thải do hoạt động nông nghiệp.

Đặc biệt, Hà Nội hiện thiếu công cụ hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chồng chéo và nhiều bất cập; thiếu các cơ chế, chính sách về môi trường đặc thfu từ cấp Trung ương đến địa phương; hệ thống quan trắc chưa đồng bộ.

Cùng với đó thì bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn được cho là còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý; sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ, quyết liệt.

Nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm. Còn tình trạng đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định vẫn còn, nhất là phế liệu xây dựng...

Đo nhanh khí thải đang lưu thông để xử phạt

Một trong các giải pháp nhằm cải thiện môi trường không khí tại Hà Nội trong thời gian tới được Sở đề xuất, đó là sẽ tích cực triển khai các dự án quan trắc tự động (nước thải, khí thải) tại các khu vực trọng yếu nhằm phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực. Hiện đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến.

Cùng với đó, Sở sẽ giám sát, buộc các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động và truyền dẫn số liệu về sở TN&MT để theo dõi, giám sát; Hoàn thiện trung tâm truyền nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục đăng kiểm trong việc đăng kiểm mới và định kỳ khi cho lưu hành các loại phương tiện giao thông và xe cơ giới. Xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải Euro 4, Euro 5 trên địa bàn Hà Nội.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ đầu tư trang thiết bị đo nhanh khí thải từ phương tiện giao thông lưu thông trên đường để đánh giá nồng độ khí thải, xử phạt nghiêm khi các chủ phương tiện cơ giới không đủ điều kiện lưu hành, các phương tiện thay đổi cấu trúc xe, sử dụng các loại còi, ống xả tự chế không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường; xây dựng lộ trình hạn chế xe máy lưu thông trong khu vực nội thành song song với việc khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc