(VnMedia) - Hà Nội đang thực hiện chủ trương giãn dân ra khỏi nội đô, nhưng tôi không hiểu đang giãn ra hay là đang hút dân về?– ĐBQH Nguyễn Chiến - Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội đặt vấn đề trước tình trạng xây nhiều nhà cao tầng trong nội đô.
Hàng loạt công trình cao tầng sai phạm
Trong buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với vấn đề quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch từ năm 2011 đến 2016 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổ chức sáng 14/4, lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, trong thời gian gần đây, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, trên các địa bàn còn xuất hiện nhiều công trình vi phạm xây dựng.
Trong số đó không ít trường hợp các chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm. Việc xử lý của cơ quan chức năng chưa kiên quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ. Tình trạng khiếu kiện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Đặc biệt là trong số 152 công trình cao tầng (trên 15 tầng) do Sở Xây dựng cấp phép trong giai đoạn 2011-2016 thì có 48 trường hợp bị phát hiện vi phạm trật tự xây dựng (trong đó không phép là 14, sai phép 26, khởi công khi chưa đủ điều kiện 1, sai thiết kế 4, thay đổi công năng 2, ảnh hưởng đến công trình liền kề 1).
Giãn dân hay hút dân?
Đặt vấn đề với lãnh đạo sở Xây dựng và sở Quy hoạch – Kiến trúc, đại biểu Nguyễn Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng hỏi: “Vì sao theo quy định, khu vực nội đô (từ nam Sông Hồng đến Vành đai 2) là khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng (tối đa chỉ 21- 29 tầng, kể cả cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ) nhưng trong Quy hoạch lại nổi lên những khu vực nhiều công trình cao tầng hơn rất nhiều?”.
“Vấn đề là do cái gì? Người dân không xin phép mà vẫn làm liều hay quy định của pháp luật có vấn đề gì? Cần phải hoàn thiện gì trong vấn đề luật pháp?” – đại biểu Cường hỏi.
Ông Cường cũng băn khoăn về việc nhiều khu đô thị mới xây dựng như Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Đông… nhưng giao thông đã ùn tắc nghiêm trọng cả khi chưa được “lấp đầy” khiến nhiều người lo ngại. “Việc dành quỹ đất cho giao thông ít hơn quy định là vì lý do gì? Tôi không hiểu cứ như thế này thì sau này đi lại sẽ như thế nào? Có lẽ sẽ lại như khu vực Đống Đa hiện nay” – đại biểu e ngại.
“Tôi chắc là Sở cũng bị sức ép rất lớn, nhưng chúng tôi rất muốn biết lý do tạo ra cái sức ép đó là gì? chúng ta phải làm gì để tránh được tình trạng này, muốn ép cũng không thể làm được?” – ông Cường tiếp tục đặt câu hỏi.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cũng cho biết, lần nào đi tiếp xúc cử tri, ông cũng nghe phản ánh về chuyện rà soát cơ sở gây ô nhiễm trong nội đô. “Cử tri quận Hai Bà Trưng nói rất nhiều, gay gắt về việc nhà máy bia Đông Nam Á trong diện di dời từ lâu rồi nhưng không hiểu sao không làm?” - ông Cường cho biết.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng đề nghị cần làm rõ việc chậm di rời trụ sở các bộ ngành, cơ quan của Chính phủ: “Chủ trương là khi di dời các cơ quan của trung ương nhưng hiện nay tôi thấy dậm chân tại chỗ, không biết vì sao không triển khai. Hà Nội đề nghị khi đi thì trả đất nhưng có được chấp thuận không?
Đặt câu hỏi về trách nhiệm của sở Quy hoạch Kiến trúc trong việc những dự án xây dựng không đúng quy hoạch, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nói: “Nếu theo đúng quy hoạch của Hà Nội thì khu Linh Đàm sẽ không như hiện nay. Lý do là gì? người dân rất bức xúc vì bây giờ chỉ toàn nhà san sát, không có không gian công cộng, cây xanh gì cả”.
Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được thì nhận định, hiện nay có tình trạng cấp phép khác, khi xây dựng lại khác. “Tôi nghe cử tri nói cấp phép 20-23 tầng thì “chơi” đến 41 tầng, khu Linh Đàm kinh khủng, chật ních. Ùn tắc cả giao thông, ùn tắc cả thang máy. Xe thì để đầy đường. Bệnh viện, các trường đại học cũng chưa nhúc nhích gì. Trong nội đô làm sao mà đập phá mở rộng đường được, phải di dời ra ngoài” – Chủ tịch hội Cựu chiến binh Việt Nam nhấn mạnh.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Chiến - Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội đặt vấn đề về việc có chủ trương giãn dân từ lâu nhưng hiện nay lại thấy nhiều khu chung cư cao tầng mọc lên, rồi tạo ra những căn hộ nhỏ để nhiều người dân được sống trong nội đô.
“Vậy chủ trương giãn dân được thực hiện như thế nào, hay là lại hút dân về? Chủ trương xây dựng cơ quan hành chính ra bên ngoài, nay còn không? Đề nghị nói rõ để người dân biết” – đại biểu Chiến đặt câu hỏi.
Trưởng đoàn giám sát Ngọ Duy Hiểu thì nhấn mạnh trách nhiệm của sở Quy hoạch Kiến trúc và sở Xây dựng đối với “tương lai của con em chúng ta và trách nhiệm với quá khứ.”
“Hà Nội vốn đẹp long lanh, là thành phố vì hòa bình. Nhưng nếu người thế này, nhà thế này, đường không thể bước ra được nữa, nhiều người sợ về nhà vào giờ tan tầm mà phải vài tiếng sau mới dám về nhà thì đúng là bất hạnh cho Hà Nội, bất hạnh cho công dân trên Hà Nội. Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm”, ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, cần phải vượt qua được suy nghĩ, lợi ích để tiến hành giãn dân ra ngoại thành. Còn nếu như tình hình hiện nay thì rất căng thẳng. “Việc xử lý các chủ đầu tư không thực hiện theo đúng thiết kế, quy hoạch như thế nào? Liệu chúng ta đã công khai và có giải pháp nào? Chứ không lại cứ vi phạm rồi vẫn được làm tiếp”, ĐB Hiểu hỏi.
Không chỉ nhà cao tầng là "tội đồ"
Giải trình về những vấn đề mà các đại biểu nêu, Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh cho rằng, trong việc tắc đường ở Hà Nội thì nhà cao tầng chỉ là một trong các nguyên nhân, còn nguyên nhân chính là do tăng dân số cơ học.
“Không xây nhà cao tầng thì không thể có đủ chỗ ở. Hiện nay Thành phố tăng dân số cơ học rất nhiều mà không có cách gì hạn chế, Hà Nội là thủ đô, ai cũng có quyền đến làm việc được. Chúng ta chưa triển khai kiểm soát được. Mặc dù Luật thủ đô cho phép nhưng chúng ta cứ động đến hạn chế, như đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân, là đã có ý kiến. Việc tăng cơ học dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung. Phải kiểm soát được bằng luật, chứ hiện nay không có cái gậy kiểm soát dân số. Đến 2030 dự kiến 6-7 triệu dân nhưng nay đã xấp xỉ đạt con số này rồi” – ông Lê Vinh lý giải.
Về việc di dời các cơ sở ra ngoài nội đô, ông Vinh cho biết, quy hoạch chung xác định rất rõ các đối tượng di rời, kèm theo quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Quyết định này không giao tất cả quyền cho Hà Nội mà giao cho các bộ ngành. Ví dụ như trường học giao cho bộ Giáo dục, bệnh viện giao Bộ Y tế, các lĩnh vực khác giao cho Bộ Xây dựng. Hà Nội chỉ được giao nhiệm vụ lo di dời cơ sở ô nhiễm.
“Đất di dời, chủ trương định hướng được xác định rất rõ là dành cho phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, vườn hoa, công viên... nhưng rất khó khăn. Đến giờ này chưa Bộ ngành nào di dời mà bàn giao lại đất cho Hà Nội, và Hà Nội không được quyền quyết, chỉ được phối hợp. Phần di dời thuộc thẩm quyền của Hà Nội thì được thực hiện rất đúng quy định” – ông Lê Vinh khẳng định.
Về việc xây sai phép, ông Vinh thừa nhận trường hợp ở Linh Đàm, cấp phép 27 tầng xây lên hơn 40 tầng là có thật. “Trách nhiệm là của Chủ đầu tư Quy hoạch Linh Đàm rất đồng bộ, nhưng các Chủ đầu không thực hiện đúng” – ông Lê Vinh nói.
Giám đốc sở Quy hoạch – Kiến Trúc cũng khẳng định không có chuyện “hút” dân vào nội đô. “Việc giãn dân phải theo lộ trình, chứ không phải nói hôm nay là mai làm được, phải phát triển bên ngoài thì mới giãn được” – ông Vinh cho biết.
Theo đó, Hà Nội đang triển khai mạnh việc phát triển đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu đô thị Hoà Lạc dự kiến có quy mô 60 vạn dân. Đồng thời, hiện Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng 2 khu liên cơ, dự kiến chuyển đến 8-9 sở.
Chủ tịch Thành phố cũng chỉ đạo, những chủ đầu tư đang cố tình làm sai thì “đừng có hy vọng được làm tiếp dự án khác”.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc