(VnMedia) - Dự kiến sẽ GPMB nốt 2 khu đất phía Bắc xen giữa chỉ giới đường đỏ đã duyệt và phố La Thành (đoạn từ Láng Hạ đến Voi Phục) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật - cây xanh- bãi đỗ xe. Có nghĩa là phía Bắc đê La Thành hiện nay sẽ hoàn toàn "trắng" nhà dân.
Đầu gư gần 8 tỷ thì hơn 6 tỷ dành cho giải phóng mặt bằng
Tuyến đường Vành đai 1 là trục giao thông chính nối khu vực Đông - Tây. Đây là một trong những tuyến đường có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn. Hiện nay tuyến đường này đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại đoạn từ Hoàng Cầu đến nút Voi Phục nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Ngày 06/12/2016, Hội đồng nhân dân Thành phố đã quyết nghị Dự án thuộc danh mục Dự án, công trình trọng điểm của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Xây dựng tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt với chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m, trong đó gồm 02 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh; khu đất mở rộng diện tích xen kẹt giữa chỉ giới đường đỏ và phố La Thành thuộc địa bàn quận Đống Đa.
Đối với khu đất mở rộng giữa chỉ giới tuyến đường và phố La Thành thuộc quận Ba Đình, trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Ba Đình xác định theo chỉ giới cũ; đồng thời UBND quận Ba Đình thông báo rõ cho nhân dân đồng thuận với chủ trương đầu tư toàn bộ theo phạm vi quy hoạch, khi được sự đồng thuận của nhân dân sẽ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án: Khoảng 7.779,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Thành phố, trong đó riêng dành cho giải phóng mặt bằng dự kiến là hơn 6,4 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án: Quận Đống Đa (4 phường Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Hạ, Láng Thượng); Quận Ba Đình (3 phường Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ).
Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2017 đến năm 2020. Tổng số 2.044 hộ dân thuộc diện GPMB, trong đó trên địa bàn quận Đống Đa là 803 hộ (số hộ nằm giữa chỉ giới đường đỏ đường vành đai 1 và đường Đê La Thành là 139 hộ); Trên địa bàn quận Ba Đình là 1.241 hộ. Nhu cầu tái định cư là khoảng 2.239 căn.
Dự kiến bố trí nhà tái định cư từ nguồn quỹ nhà A14 khu tái định cư Nam Trung Yên, khu Tây Nam Kim Giang 1 và quỹ nhà tái định cư của Thành phố.
Mở rộng giải phóng mặt bằng đến hết đường La Thành
Một điều đáng chú ý của dự án này là chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập và hoàn thành từ năm 1997 và được UBND Thành phố phê duyệt năm 1999.
Công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Trung Tự - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy) cũng đã được hoàn thành và bàn giao từ năm 2001.
Chủ đầu tư hiện đã lập dự án chung cho toàn tuyến từ Hoàng Cầu - Voi Phục, mặt cắt theo chỉ giới quy hoạch đã phê duyệt, bao gồm 2 cầu vượt tại nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.
Tuy nhiên, Chủ đầu tư đề nghị bổ sung 2 khu đất phía Bắc xen kẹt giữa chỉ giới đường đỏ đã duyệt và phố La Thành (đoạn 1 từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ xây dựng HTKT- cây xanh- bãi đỗ xe, đoạn 2 từ dốc Bệnh viện Phụ sản đến Voi Phục xây dựng HTKT, dự kiến tái định cư tại chỗ).
“Như vậy, khu vực phía Bắc đường đê La Thành sẽ “trắng” nhà dân” - Giám đốc Ban Dự án cho biết.
Báo cáo Đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội Hà Nội về dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện nay Thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội tiếp nhận và triển khai tiếp các nhiệm vụ có liên quan đến Dự án do Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (trước đây) đang thực hiện.
UBND Thành phố cũng đã thống nhất lập dự án theo chỉ giới đường đỏ đã được duyệt, đồng thời bổ sung phần mở rộng phía Bắc dự án đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ thuộc quận Đống Đa. Ở đoạn này, Ban Quản lý dự án đã tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Tuy nhiên, đối với phần mở rộng đoạn dốc Bệnh viện Phụ sản - Voi phục thuộc quận Ba Đình, đã tổ chức họp nhiều lần nhưng các hộ dân chưa đồng thuận. Ban quản lý dự án cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đồng thuận với chủ trương đầu tư toàn bộ theo phạm vi quy hoạch, khi được sự đồng thuận của nhân dân sẽ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.
Ban Quản lý dự án Kiến nghị các Bộ KHĐT, GTVT, Văn phòng chính phủ căn cứ tờ trình của UBND Thành phố (dự kiến trình trước 30/4, gồm Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã hoàn thiện) xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Ban Quản lý dự án cũng đề nghị UBND Thành phố cho phép tập trung nguồn lực (về vốn, tái định cư, GPMB) thực hiện trước phạm vi 2 cầu vượt Láng Hạ-Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh, trong đó giải phóng mặt bằng 896 hộ dân (nút Láng Hạ Giảng Võ 589 hộ, nút Nguyễn Chí Thanh 307 hộ; Tái định cư 985 căn; Chi phí khoảng 4.000 tỷ, trong đó riêng giải phóng mặt bằng 3.600 tỷ để khởi công trong quý I/2018.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc