Chủ động giảm khai thác dầu để tăng trưởng bền vững

06:23, 04/04/2017
|

(VnMedia) - Việc giảm GDP giảm tăng trưởng trong Quý I/2017 là do Chính phủ chủ động giảm lượng khai thác dầu mỏ, hướng tới tăng trưởng bền vững, bảo vệ tài nguyên…

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối ngày 3/4.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ đã tập trung vào hai vấn đề lớn là xây dựng cơ chế chính sách và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I năm 2017.

Theo đó, về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, kinh tế trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế nước ta diễn biến theo chiều hướng tích cực, có nhiều điểm nổi bật, cụ thể là

Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%), chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng. Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%.

Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I ước tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2016.

Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1% là thấp, khu vực nông nghiệp và dịch vụ tăng khá nhưng sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ. Quý I năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012.

Nguyên nhân chính là công nghiệp khai khoáng như khai thác dầu sụt giảm mạnh; sản lượng dầu mỏ thô khai thác trong nước giảm 14% so với cùng kỳ; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,9%. Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vì nhiều lý do khác nhau chưa đạt kế hoạch để ra.

Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%) và tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 32% GDP, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (32,2%).

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Phải duy trì được tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mới bảo đảm được các cân đối vĩ mô, giải quyết việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống người dân.

Chính phủ yêu cầu phải có phản ứng chính sách linh hoạt, nhạy bén, theo dõi sát tình hình để có giải pháp chủ động, kịp thời, cụ thể hơn. Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực của nền kinh tế. Các bộ ngành, địa phương có những giải pháp cụ thể, căn cơ trong từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã thống nhất chủ trương đề nghị Quốc hội cho phép tách nội dung giải phóng mặt bằng trong dự án sân bay Long Thành thành dự án riêng để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình này phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương và kết quả kiểm tra của Tổ công tác trong tháng 3.

Từ 1/1/2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện 17.803 nhiệm vụ, đã hoàn thành 9.672 nhiệm vụ (trong đó hoàn thành đúng hạn 8.040 nhiệm vụ, hoàn thành nhưng quá hạn 1.632 nhiệm vụ).

Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Tổ công tác, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, giúp kéo giảm mạnh số nhiệm vụ quá hạn, nợ đọng, tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ khi các bộ ngành, địa phương đều thành lập tổ công tác giúp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh Tổ công tác vừa qua đã có buổi kiểm tra chuyên đề về tình hình xây dựng pháp luật để thúc đẩy các bộ ngành xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, với tinh thần không để Chính phủ nợ đọng văn bản. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục kiểm tra các bộ ngành, địa phương trong thời gian tới.

Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Tăng trưởng giảm là do chủ động giảm khai thác dầu

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc mặc dù số doanh nghiệp mới thành lập năm 2016 rất cao nhưng tăng trưởng Quý I/2017 lại thấp so với cùng kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, về bản chất, tăng trưởng GDP quý I/2017 là hoàn toàn hợp lý.

“Việc tăng trưởng thấp chủ yếu do việc khai khoáng, khai thác dầu khí chúng ta chủ động giảm. Năm ngoái đã khai thác 15 triệu tấn, năm nay kế hoạch chỉ 12,8 triệu tấn, riêng quý I giảm 600 nghìn tấn so với cùng kỳ. Nếu dầu khí khai thác bằng mức năm ngoái thì tăng trưởng GDP 3 tháng sẽ là 5,95% - cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Thực ra tăng trưởng về khai khoáng về dầu khí là chúng ta chủ động giảm.” – ông Thu thông tin.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng khẳng định, Quý I năm nay, môi trường vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo, đặc biệt về tài chính ngân sách, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng, môi trường vĩ mô, đầu tư kinh doanh tốt.

“Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn toàn tin tưởng những thông số về đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.... sẽ tác động trễ vào nền kinh tế trong Quý 2 và Quý 3 tới kết quả sẽ đạt được cao hơn” - Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.

Giải thích kỹ thêm về vấn đề này, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Thủ tướng là tăng trưởng phải bền vững. “Vẫn phải thực hiện tăng trưởng như Nghị quyết Quốc hội đề ra, nhưng phải bền vững, tăng sản xuất. Khai khoáng được đặt ra nhưng không vì khai thác để đạt tăng trưởng cao mà phải bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Bên cạnh khai khoáng phải đẩy mạnh các ngành, lĩnh vực khác” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Người phát ngôn Chính phủ cũng thông tin thêm, việc ổn định vĩ mô luôn được quan tâm hàng đầu, Chính phủ quyết liệt xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, đồng thời huy động nguồn tiền, nguồn vàng trong dân và doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Nhanh chóng thoát khỏi hình thức điều hành mang tính sự vụ, mà phải có tính chiến lược dài hơi, để tính toán chủ động, đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc