Tại Hội thảo do Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật TP.HCM phối hợp Sở GTVT TP tổ chức có chuyên gia cho rằng cần sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông của Thành phố. Tuy nhiên, dẫn chứng, số liệu và lập luận của vị này đưa ra theo chúng tôi là không thuyết phục.
Bởi những lý do sau đây:
Theo số liệu này, TP.HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy/1.000 dân, con số này ở Hà Nội là 653, ở Bangkok (Thái Lan) 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160. Đặc biệt, có đến 98% gia đình ở TP.HCM có xe máy, với tổng số xe máy của TP khoảng 7,5 triệu xe.
Câu hỏi đặt ra là người dân TP đang cần xe máy đến thế, nếu cấm thì người dân di chuyển bằng gì? Trong khi hệ thống giao thông công cộng của TP còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong vấn đề này, vị chuyên gia trên nên nghiên cứu theo hướng ngược lại là nên bảo vệ xe máy, vì quá nhiều người dân TP phụ thuộc vào nó mới phải!
Về việc cho rằng “xe máy là kẻ chiếm đất” dành cho giao thông của TP, thì tại sao không cấm hẳn ôtô? Bởi vì, ôtô mới là phương tiện chiếm nhiều diện tích nhất, lãng phí nhất và còn gây ô nhiễm khí thải nhiều nhất. Liệu có phải vị chuyên gia này đang đứng về phía người giàu, bảo vệ người giàu mà quên người nghèo, khi đòi cấm xe máy thay vì ô tô như các nước?
Mặt khác, nếu cấm xe máy, thì nhiều người dân chắc chắn sẽ chuyển sang mua ôtô. Bởi vì, mức sống tại TPHCM là khá cao, với việc ôtô giá rẻ tràn vào nước ta ngày càng nhiều thì việc sở hữu ôtô đối với người dân TP là không quá khó. Như vậy, nếu gia đình có 2 vợ chồng đều sở hữu ôtô để đi lại thì tình hình giao thông TP sẽ như thế nào? Liệu lúc đó chúng ta tiếp tục cấm ôtô để buộc người dân đi bộ, đi xe đạp như những năm 70, 80 ở miền Bắc hay không?
Thậm chí trường hợp nếu người dân đi bộ thì vỉa hè đang bị lấn chiếm tràn lan hoặc đi xe đạp thì liệu có đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi tắt đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp? Khi đó, đây có thể lại là nguyên nhân, lý do kéo lùi sự phát triển của TP.HCM!
Xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện chuyên chở, làm ăn, sinh sống, kinh doanh của người dân TP.HCM. Khi người dân dùng xe máy để chuyên chở con cái đi học, chở hàng hóa đi bán, đi mua… Do đó, cấm xe máy không chỉ làm mất đi “cần câu cơm của họ” mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của TP. Khi đó thiệt hại không chỉ dừng ở con số 6,4 tỷ đô la mỗi năm nhưng vị chuyên gia kia đưa ra mà có thể làm cho cả TP bị rối loạn!
Đối với vấn đề tai nạn giao thông, không phải nơi nào có nhiều xe máy thì nơi đó mới có nhiều tai nạn giao thông, càng không phải TP.HCM nhiều xe máy nhất nước nên tai nạn giao thông nhiều nhất nước! Nguyên nhân tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành giao thông của người dân chưa tốt, hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông chưa đảm bảo an toàn…, Do đó, lập luận rằng xe máy nhiều gây ra tai nạn nhiều là không thuyết phục!
Theo chúng tôi, bên cạnh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tổng hợp thì trước mắt cần chuyển các nhà máy, xí nghiệp, trường học ra khỏi trung tâm TP để giảm tải cho khu vực trung tâm. Tiếp đến là phải đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông cả trên cao, mặt đất và dưới lòng đất, thậm chí là khai thác giao thông trên các dòng sông, kênh rạch của TP. Song song với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe điện, xe buýt, tàu điện ngầm… để người dân có thể đi lại thuận tiện.
Khi đó, các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, thậm chí cả ôtô trở thành… “đồ thừa”, không cần cấm thì người dân cũng không cần đến.
Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM là rất nghiêm trọng đã đến mức báo động, tuy nhiên không vì thế mà áp dụng biện pháp “cực đoan”, cứng nhắc, điều này không thể chấp nhận được, chắc chắn sẽ gây ra hậu quả tiêu cực khó tưởng tượng.
Có thể khẳng định rằng việc cấm xe máy trong thời điểm hiện nay là chưa hợp lý, “cực đoan”.
Chúng tôi cũng mong rằng đây là lần cuối cùng dư luận nghe về ý kiến đề xuất kiểu như thế này!
(theo LĐ)
Ý kiến bạn đọc