(VnMedia) - Để đảm bảo an toàn cho các bác sĩ và bệnh nhân, bệnh viện Việt Đức bố trí riêng phòng cấp cứu ban đêm 7 bảo vệ, với 7 dùi cui. Toàn bệnh viện có 15 dùi cui điện, 2 súng bắn đạn cay, 30 gậy cao su. Ngoài ra, còn lắp đặt chuông báo động tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu....
Như VnMedia đã đưa tin, ngoài việc phải tập trung chuyên môn chữa bệnh, cứu người thì tại các bệnh viện, tình hình an ninh trật tự luôn là nỗi lo thường trực của các y bác sĩ, đặc biệt là với các bệnh viện lớn. Vì vậy, mỗi bệnh viện đều phải có những giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng của các nhân viên y tế và người bệnh.
Ví dụ như bệnh viện Việt Đức. Là bệnh viện chuyên khoa đặc biệt với 1.500 giường bệnh, 2.000 nhân viên cộng 400 lao động thuê dịch vụ ngoài bệnh viện. Diện tích hơn 30.000m2 có ba mặt giáp với các tuyến phố Tràng Thi, Phủ Doãn và Quán Sứ, trên địa bàn hai phường Hàng Bông, Hàng Trống thuộc quận Hoàn Kiếm - một quận trung tâm của Thành phố, nơi tập trung đông dân cư, có nhiều tuyến phố có mặt đường nhỏ hẹp.
Mỗi năm, bệnh viện mổ hơn 50.000 ca. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục nghìn lượt người bệnh và người nhà bệnh ra vào thăm nuôi người bệnh do đó có nhiều nguy cơ cao dễ xảy ra mất an ninh trật tự.
“Do đặc điểm bệnh viện ngoại khoa có nhiều bệnh cảnh phức tạp như bệnh nhân nặng, bệnh nhân tai nạn lao động, tai nạn giao thông đặc biệt là người bệnh đâm chém, bắn giết nhau từ các vụ xung đột, thanh trừng mâu thuẫn của các nhóm đối tượng xã hội đen chỉ trong vòng 10-15 phút hoặc ngay khi đối tượng vào viện, chúng kéo theo hàng trăm đối tượng xã hội kèm vũ khí nóng vào bệnh viện để thanh trừng lẫn nhau” – lãnh đạo bệnh viện Việt Đức cho biết.
Cộng với đó, cơ sở hạ tầng bệnh viện chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu cấp cứu, phẫu thuật, nhiều người bệnh còn phải chờ đợi, xếp lịch dẫn đến những bức xúc ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, lãnh đạo bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện đã xây dựng các tiêu chí bảo vệ như: đội trưởng phải là người có kinh nghiệm công tác ít nhất là 10 năm, có trình độ cử nhân luật, đại học cảnh sát hoặc tương đương; đội phó phải là người có kinh nghiệm công tác ít nhất 10 năm, có trình độ trung học cảnh sát hoặc tương đương. Các ca trưởng, ca phó cũng phải có 10 năm kinh nghiệm, phải được huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh trật tự.
Ngoài việc bố trí nhân lực thì bệnh viện cũng phải trang bị các công cụ hỗ trợ, riêng phòng cấp cứu ban đêm 7 bảo vệ, với 7 dùi cui. Toàn bệnh viện có 15 dùi cui điện, 2 súng bắn đạn cay, 30 gậy cao su. Ngoài ra, còn lắp đặt chuông báo động tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu.
Ngoài ra, bệnh viện còn xây dựng kế hoạch xử lý tình huống phức tạp, tổ chức thực tập các tình huống. Có cơ chế chế tài xử lý nội bộ nghiêm minh…
Trong khi đó, tại bệnh viện Thanh Nhàn, công an Thành phố đã phối hợp, cử đội cảnh sát bảo vệ trực canh gác tại bệnh viện. Lực lượng cảnh sát bảo vệ thường xuyên phối hợp với Tổ bảo vệ Bệnh viện đi tuần tại khu vực khám bệnh, tại cá khoa phòng và canh gác tại cổng bệnh viện nhằm phát hiện kịp thời các hành vi gây rối.
Còn tại bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), nơi thường xuyên phải cấp cứu, xử lý hậu quả những vụ đâm chém, thanh toán lẫn nhau của giới giang hồ, xã hội đen, công tác đảm bảo trật tự an ninh đã phải được đặc biệt quan tâm. Theo lãnh đạo bệnh viện, đơn vị này đã phải bố trí một phòng làm việc gần khoa cấp cứu cho tổ công tác gồm Độ cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận Lê Chân, công an phường Cát Dài trực 24/24 giờ).
Tại bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, giải pháp là ký hợp đồng dịch vụ bảo vệ với một đơn vị chuyên trách, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại tất cả các tầng, đồng thời, các cửa hành lang đều được khóa không cho người nhà bệnh nhân vào trong thời gian nhân viên y tế tác nghiệp.
Góp ý về giải pháp, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đề nghị, cần lựa chọn các nhân viên bảo vệ của các công ty có trình độ chuyên môn chuyên nghiệp, có khả năng ứng phó với các tình huống thường xảy ra tại các bệnh viện, có phương án xử lý các tình huống và được rèn luyện thường xuyên; có kế hoạch kiểm tra khả năng ứng phó tình huống và công tác đảm bảo cho sự an toàn bệnh viện của các nhân viên này.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc