(VnMedia) - Theo Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, nạn nhân nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.
Ba vụ xâm hại tình dục trẻ em ở ba tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu gần đây đã khiến dư luận bức xúc. Đồng loạt nhiều trang mạng xã hội, cộng đồng và báo chí đã lên tiếng liên quan tới thực trạng này.
Bàn luận sâu hơn về vấn đề này, ba mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bảo vệ quyền của người dễ bị tổn thương (RIM), bảo vệ và thúc đẩy quản trị tốt quyền trẻ em (CRG), và phòng ngừa bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái (GBVnet) đã có một cuộc tọa đàm mang tựa đề “Im lặng hay lên tiếng?!”.
Trong buổi tọa đàm bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội đã chia sẻ với cơ quan báo chí : “Tôi cho rằng còn rất nhiều vụ xâm hại tình dục không được báo cáo. Diễn biến càng ngày càng phức tạp, chúng ta thấy rằng thông tin về những vụ xâm hại tình dục trẻ em nó đã trở lên đến mức độ nghiêm trọng, tổn thương về mặt thể chất đến tinh thần cho các cháu rất nặng “.
" Xã hội Việt Nam, những vấn đề về xâm hại tình dục trẻ em là những vấn đề rất là nhạy cảm, người dân họ cũng không muốn nói ra chuyện đó. Nhưng nếu mà không nói ra thì cái hậu quả để lại hay cho tương lai nạn nhân cho gia đình rất là lớn. Với nhận thức của xã hội càng ngày càng đầy đủ hơn, sự hỗ trợ từ cộng đồng đến những nạn nhân càng ngày càng lớn và mức nhận thức của chúng ta về vấn đề lớn hơn, mọi người cùng phát hiện, cùng lên tiếng tố cáo và đồng hành với nạn nhân thì lúc đó những câu chuyện này mới giảm bớt và xóa bỏ”, bà Hồng nói.
Bà Hồng còn cho biết thêm: “Tôi cũng là một người mẹ và tôi cũng có cháu gái nên tôi nhận thấy rằng điều này là không thể chấp nhận được. Đối với cha mẹ, ngay từ khi còn nhỏ, các bậc cha mẹ cũng không được trang bị kiến thức và kĩ năng nên khi lớn lên họ cũng không biết làm như thế nào để dạy dỗ cho con của mình. Chúng tôi cũng đã khuyến nghị nhiều lần lên Bộ Giáo giục và Đào tạo cùng các lực lượng chức năng hãy đưa nội dung giáo dục giới tính vào trong nhà trường nhưng còn để gác lại ở đâu đó”.
Cũng trong buổi tọa đàm bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nói: “Trước tiên là quan niệm của các gia đình có con em bị xâm hại tình dục và vấn đề chúng tôi đã nói từ rất lâu. Đó là tình trạng thương lượng dân sự cho những vụ án hình sự trong xâm hại tình dục trẻ em, có thể có một chút tiền để thương lượng giữa gia đình và đối tượng rồi mọi chuyện lại rơi vào im lặng.
Thứ hai là tâm lý của người Việt Nam mình rất ngại về vấn đề tình dục, nếu nó lộ ra bên ngoài thì có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này, cho nên quan niệm đó sâu xa về vấn đề trinh tiết, còn rất nhiều quan niệm trọng nam khinh nữ.
Tiếp nữa là các cơ quan thực thi pháp luật rất lúng túng cho sự việc này vì tìm chứng cứ cho những sự việc này. Ví dụ chưa thành công trong cưỡng hiếp thì nó cũng là câu chuyện không dễ dàng và phải có kinh nghiệm, phải học hỏi thì mới có thể luận tội được mặc dù luật pháp đã nói rất rõ ràng”.
Tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay Lên tiếng” được tổ chức với mục tiêu nhằm thảo luận, định vị và thúc đẩy vai trò của các bên liên quan – các chủ thể có trách nhiệm thực hiện quyền trong công tác thực thi quyền trẻ em.
Gia Đạt
Ý kiến bạn đọc