Muốn nhà vệ sinh sạch, hãy để giáo viên và học sinh "đi chung"!

06:43, 06/03/2017
|

(VnMedia) - Phụ huynh đề nghị để giáo viên và học sinh dùng chung nhà vệ sinh để nhà trường có động lực nhanh chóng cải thiện tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi thối...

Trong thời đại văn minh, ở Hà Nội, kể cả vùng nông thôn thì gia đình nào dù nghèo mấy cũng đã có nhà vệ sinh sạch sẽ. Thế nhưng, ở các trường học, đặc biệt là các trường công lập, tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi hám vẫn phổ biến khiến nhiều em phải nhịn đi vệ sinh.

Điều đáng nói là về cơ sở vật chất, các trường học đều đã xây dựng những nhà vệ sinh khá hiện đại, tuy nhiên, do công tác đảm bảo vệ sinh không được thường xuyên nên những nhà vệ sinh này rất hôi hám, nhất là sau những giờ ra chơi.

Hầu như học sinh nào khi được hỏi về nhà vệ sinh cũng cho biết, phải bất đắc dĩ lắm các em mới dám đi vệ sinh ở trường do bẩn thỉu và mùi hôi khó chịu. Nhiều em cho biết không dám uống nước vì sợ phải đi vệ sinh ở trường.

Trong khi đó, một số học sinh cho biết khi bí quá đã “đi trộm” vào nhà vệ sinh của giáo viên vì ở đó “sạch sẽ và thơm tho, không bẩn như chỗ của học sinh".

Lý giải cho việc nhà vệ sinh của giáo viên sạch sẽ hơn, một nhân viên lao công trong trường học cho biết, đó là vì giáo viên thì ít, còn học sinh thì đông nên không thể dọn dẹp xuể.

“Một năm chỉ đi họp phụ huynh có hai lần mà mỗi lần phải đi qua nhà vệ sinh của các con, tôi thấy thật kinh khủng. Những lúc như vậy, rất thương các con mà không biết phải làm sao” - chị Hương, mẹ của một học tại một trường công lập thuộc quận Ba Đình cho biết.

Chị Hương cho rằng, các trường học mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà vệ sinh “đạt chuẩn” chứ chưa thực sự quan tâm đến việc dọn vệ sinh thường xuyên, đảm bảo môi trường vệ sinh sạch sẽ cho các con.

Cùng quan điểm này, một độc giả đã gửi thư về tòa soạn VnMedia để đề xuất sáng kiến. Độc giả này cho biết có con gái đang học tại một trường cấp 2 công lập ở nội thành Hà Nội. “Con gái tôi tính tình rất sạch sẽ và đây lẽ ra là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, tôi lại hết sức lo lắng vì cháu sợ nhà vệ sinh ở trường đến mức buổi sáng chỉ dám ăn đồ khô, đến lớp không dám uống nước. Cứ lâu dần như vậy thì tôi lo cháu sẽ bị bệnh mất” - vị phụ huynh này chia sẻ.

“Có thể là do kinh phí để thuê người dọn dẹp còn hạn hẹp, nhưng theo tôi, khoản này phụ huynh có thể đóng góp thêm. Nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế sẵn sàng tài trợ các hoạt động của trường hoặc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất với số tiền lớn, tại sao nhà trường không huy động tiền để thuê thêm nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh? Theo tôi, nên để giáo viên và học sinh đi chung nhà vệ sinh, khi ấy nhà trường mới khẩn trương tìm biện pháp khắc phục, bởi các thầy cô chắc chắn sẽ không thể chịu nổi tình trạng mất vệ sinh mà các em đang phải chịu đựng” - một phụ huynh đề xuất.

nhà vệ sinh trường học
Chắc chắn, các giáo viên sẽ không thể chịu nổi nếu phải sử dụng nhà vệ sinh bẩn như thế này. (Nhà vệ sinh bốc mùi, hư hỏng tại Trường THCS Tân Triều - Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong)

Cải tạo nhà vệ sinh phải gắn với công tác duy trì

Tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện triệt để cũng là một vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 diễn ra ngày 5/8.

“Trong đợt đi khảo sát những trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tôi thấy thực tế, nhiều nhà vệ sinh cho các cháu vẫn bẩn kinh khủng” - Phó Thủ tướng nhận xét.

Hồi tháng 6/2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tổ chức, doanh nghiệp đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, với Chương trình hỗ trợ lĩnh vực giáo dục, Chính quyền Thành phố, doanh nghiệp và cha mẹ học sinh cùng chung tay cải tạo, nâng cấp, xây mới khu vệ sinh của toàn bộ các trường học của Thủ đô; Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú INVEST hỗ trợ 40 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây mới khu vệ sinh của một số trường học của Thủ đô.

Về vấn đề này, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết Hà Nội sẽ ưu tiên tập trung thực hiện việc rà soát xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học và kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong các trường học trên địa bàn Thành phố trong năm 2017.

Theo báo cáo, các trường học tại Hà Nội hiện có 6.989 nhà vệ sinh (khu vệ sinh có phòng nam nữ riêng biệt). Dự kiến năm 2017-2018 sẽ triển khai xây dựng, cải tạo 2.725 khu vệ sinh xuống cấp, chưa đạt chuẩn.

Tại hội nghị giao ban quý I/2017 của ngành GD&ĐT mới diễn ra gần đây, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, vấn đề cải tạo nhà vệ sinh trong các trường học là chủ trương được TP. Hà Nội quyết liệt thực hiện. Thành phố giao Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch báo cáo UNND TP. Hà Nội.

Về kinh phí, Phó Chủ tịch gợi ý xây dựng kế hoạch cải tạo nhà vệ sinh theo hướng xã hội hoá hoặc theo hướng ngân sách hỗ trợ 20-30%... để đến hết năm 2018 hoàn thành cải tạo nhà vệ sinh các trường công lập.

Để tránh tình trạng chỉ đầu tư nhà vệ sinh hiện đại cho "đạt chuẩn" mà không quan tâm đến việc làm sạch nhà vệ sinh, Phó Chủ tịch Thành phố lưu ý việc xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh phải gắn với với công tác duy trì vệ sinh.

“Thành phố đang ngày càng phát triển văn minh hiện đại mà để học sinh phản ánh nhà vệ sinh trường học mất vệ sinh, thậm chí có học sinh nhịn vệ sinh cả ngày là điều không chấp nhận được”, ông Quý nhấn mạnh.

Hy vọng, với chỉ đạo sát sao mới này, những nhà vệ sinh trường học sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với cả học sinh và phụ huynh ở Thủ đô.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc