Luật sư đề nghị "thiến" hoá học tội phạm tình dục trẻ em

10:47, 19/03/2017
|

Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) mới đây đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến” hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.

Tại buổi toạ đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” do nhiều tổ chức xã hội về phòng chống bạo lực giới tổ chức mới đây tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến” hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm. 

Các diễn giả chính tham gia cuộc tọa đàm
Các diễn giả chính tham gia cuộc tọa đàm

Theo luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp, trong khu vực châu Á hiện có Indonesia và Hàn Quốc đã áp dụng đạo luật “thiến hóa học” để tiêu diệt dục tính đối với tội phạm ấu dâm. Ở châu Âu, các nước Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova đều đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý dứt điểm những tên "yêu râu xanh" ấu dâm. Ngoài ra, tại nước như: Argentina, Úc, Israel, New Zealand... cũng áp dụng hình phạt tương tự đối với loại tội phạm này.

Cũng theo luật sư Điệp, thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm 1996, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ tuyên bố cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện “thiến” đối với tội phạm hiếp dâm nhằm vào trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần. Sau đó, khoảng một chục bang khác đã làm theo. Luật của bang Texas quy định hoạn bằng hình thức phẫu thuật, còn California, Georgia, Montana, Florida và Louisiana thì cho dùng hóa chất để gây rụng tinh hoàn.

Theo giới chuyên môn, “thiến” hóa học là biện pháp tiêm hormone vào người của kẻ phạm tội với loại hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất những nhu cầu ham muốn về tình dục.

Đề nghị thiến hoá học tội phạm tình dục - Hình minh họa
Đề nghị thiến hoá học tội phạm tình dục - Hình minh họa

Tại cuộc toạ đàm, luật sư Lê Văn Luân (người đang trợ giúp pháp lý cho vụ việc em bé 9 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết điều vô lý trong các vụ xâm hại tình dục hiện nay là các cơ quan điều tra đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. “Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết” -Luật sư Luân đặt câu hỏi. Luật sư Luân cho biết theo Bộ luật tố tụng hình sự, đối với các vụ dâm ô thì điều tra cần dựa vào nhân chứng, thực hiện hiện trường, nhận dạng, lời khai của nạn nhân, chất vấn kẻ gây án… Ngoài ra, Luật sư Luân cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không được hoà giải, cũng như không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân. Chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được.

Tại cuộc toạ đàm, một người cha ở Hà Nội có con gái 3 tuổi bị lạm dụng tình dụcc đã chia sẻ về hành trình 2 năm đi tìm công lý con gái cho mình. Anh đã phải bụm mặt ngồi khóc nghẹn ngào trước khi chia sẻ. Anh cho biết, 2 năm trước, khi con gái 3 tuổi, sang hàng xóm chơi và đã bị người hàng xóm dâm ô. Khi đó, người cha này đã sang chất vấn người hàng xóm và ông ta đã nhận, viết cả giấy ghi lại lỗi của mình. Lúc đầu, anh chỉ yêu cầu gia đình xin lỗi con gái mình nhưng gia đình đó đã không thực hiện. Do đó, anh đã tố cáo tới cơ quan công an, con gái anh được mang đi kiểm tra y tế và kết luận có dấu vết dâm ô, gây ra trầy xước. Cuối năm 2016, công an thông báo đã khởi tố bị can. Thế nhưng, đến nay đã gần 2 năm, vụ việc vẫn chưa có kết quả. “Tại sao kẻ gây ra hành vi xấu xa như vậy lại không được xử lý. Con tôi chỉ là một trường hợp. Nhưng nếu luật pháp bỏ qua, sẽ có thêm nhiều bé gái nữa chịu nỗi đau như thế này” - người đàn ông nghẹn ngào.

Tại cuộc toạ đàm, một thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho thấy mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.

(Theo Người Lao Động)

 


Ý kiến bạn đọc