Lấn chiếm vỉa hè Hà Nội: Sự thật cười ra nước mắt

11:12, 08/03/2017
|

(VnMedia) - “Chúng ta, ai mà chả biết đằng sau vỉa hè là ai. Chuyện chiếm đất công ai chả biết, chỉ có những ông cấp cho nhau là không biết. Cái lộn xộn từ đâu mà ra, không nói thì người ta cũng hiểu. Cái sốc này là một sự thật cười ra nước mắt…” - KTS Trần Huy Ánh trao đổi với VnMedia sau phát ngôn của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về vỉa hè.

KTS Trần Huy Ánh
KTS Trần Huy Ánh

- Khi đọc báo thấy phát ngôn của của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những thế lực đứng việc lấn chiếm vỉa hè, ông cảm thấy thế nào?

Thông tin này rất sốc, là bởi vì lâu nay, chúng ta ai cũng biết, chỉ có ông thị trưởng tiền nhiệm là không biết và bây giờ thì ông thị trưởng lần này đã nói ra một cách thẳng thắn. Chúng ta, ai mà chả biết đằng sau việc lấn chiếm vỉa hè là ai. Chuyện chiếm đất công ai chả biết, chỉ có những ông cấp cho nhau là không biết. Cái lộn xộn từ đâu mà ra, không nói thì người ta cũng hiểu. Cái sốc này là một sự thật cười ra nước mắt.

Nhưng tôi nghĩ rằng, bệnh tật ai cũng có. Tôi đi nhiều thành phố dân chủ, văn minh lâu lắm rồi nhưng người dân ở đó cũng kêu rằng vẫn có sự bất công, và người ta phải cố gắng thay đổi nó.

Bước đầu của sự thay đổi là phải nhận diện đúng, và với Hà Nội, họ đã nhìn thẳng vào sự thật. Sự kiện này khiến tôi thấy tăng thêm niềm tin, tăng thêm hy vọng. Đây cũng là cảm xúc của một người công dân bình thường.

vỉa hè
Lấn chiếm vỉa hè để bán bia ở quận Đống Đa diễn ra công khai từ nhiều năm

- Sau cảm xúc “sốc” đó, bình tĩnh lại, ông có tin rằng, với quyết tâm của người đứng đầu Thành phố đã hiểu “chân tơ kẽ tóc” của hiện tượng này, Hà Nội có thể thành công trong lần ra quân lấy lại vỉa hè này không?

Tôi đã trao đổi với đồng nghiệp, với nhiều người sinh sống trong các môi trường khác nhau, trong đó có cả những người buôn bán không có người “chống lưng”. Tôi thấy họ đã bắt đầu lo lắng rằng, khi mà người thị trưởng đã biết tường tận việc này, thì sớm muộn, việc sử dụng vỉa hè sẽ không thể tuỳ tiện được nữa. Đó là bởi họ cho rằng, mình có thể tuỳ tiện được là vì dựa vào sự tuỳ tiện phổ biến của toàn xã hội, mình dựa vào đó để tuỳ tiện thêm một tý. Mỗi người tuỳ tiện một tý thì cả thành phố này tuỳ tiện. Nhưng khi người ta đã thấy ông này có họ hàng trông xe, ông kia có họ hàng bán bia mà còn bị chỉ mặt đặt tên, thì họ sẽ tiếp tục theo dõi, đo lường để mà bừa thêm được ngày nào hay ngày ấy thôi.

Điều đó cũng cho thấy, ở thượng tầng mà đã thể hiện sự chính đáng thì ở hạ tầng ắt là hết loạn. Hiệu ứng xã hội rất rõ ràng. Tôi cho rằng, họ sẽ nghĩ mình phải làm gì đây, phải thu xếp thế nào…, kể cả những người đi tìm những cửa hàng chỉ bé tẹo như cái móng tay nhưng có vỉa hè rộng để thuê đắt rồi chạy chọt để “ăn” cái vỉa hè ấy, thì chắc sẽ phải toan tính lại, nếu không muốn bị lỗ.

Đó chính là những động thái xã hội chủ động và tích cực chứ không phải là mấy ông chạy ngoài đường hò hét, giằng mấy cái ghế. Cái đó từ lâu đã rất hài hước và chẳng có giá trị gì, thậm chí còn thể hiện sự căng thẳng, kém cỏi trong quản trị. Phải có những biện pháp quản trị văn mình, bền vững hơn nhiều so với những cái nhảm nhí đó.

Người nghèo Hà Nội lương thiện, không bặm trợn kiếm ăn bằng mọi cách

- Theo ông, khi thành phố dẹp vỉa hè, có cần phải quan tâm đến những người đang sinh sống nhờ vỉa hè không?

Chuyện một Thành phố, trật tự là rất quan trọng, nhưng sự trật tự đó cũng làm gia tăng sinh kế của người dân. Từ người buôn bán nhỏ đến những người có tài sản lớn, dù ít dù nhiều họ cũng đóng góp cho xã hội. Người giàu đóng nhiều, người ít cũng tự nuôi bản thân mình bằng cách kiếm ăn lương thiện. Không ai muốn chỉ vì cuộc sống mà làm điều bất lương, điều không phải. Có điều họ có cơ hội để làm điều đó không.

Người quản trị thành phố một cách nhân văn phải nhìn nhận như vậy và nó thể hiện đẳng cấp của người quản trị đô thị. Giống như ở Hội An, vẫn có vài người bán chè trong phố cổ, nhưng được lựa chọn rất kỹ, quản lý chặt chẽ. Hay người bán đồ gốm ở rìa Hội quán nhưng thể hiện sự nghiêm túc chứ không phải xuê xoa theo kiểu nhà nghèo thì cho ra vỉa hè bán nước.

Ở Hà Nội, nhiều gương mặt vỉa hè bây giờ không phải của người nghèo, mà rất bặm trợn, ghê gớm, sẵn sàng trông xe với giá chặt chém. Cần phải lập lại trật tự từ chính những chỗ như vậy.

Nếu tôi nhìn thấy họ lập lại trật tự như vậy thì tôi ủng hộ, bằng rất nhiều cách khác nhau. Từ trong lòng, tôi thấy họ làm đúng, còn ở các diễn đàn khác thì tôi phải bảo vệ những điều đúng đắn. Tôi không thể lớn tiếng bảo vệ người nghèo một cách vô nguyên tắc.

Người nghèo Hà Nội lương thiện chứ không bặm trợn, kiếm ăn bằng bất cứ giá nào. Đó là truyền thống lành cho sạch, rách cho thơm, chứ không phải làm bừa. Những người làm bừa không phải là người Hà Nội.

Nếu các lãnh đạo có kế sách gì quyết liệt hơn nữa thì chúng tôi là những cư dân đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội, luôn ước ao một Hà Nội trong sạch sẽ luôn luôn ủng hộ, sẽ tự gương mẫu để làm việc đó và sẽ có những cách để động viên cộng đồng, bà con, họ hàng, anh em trong nhà đi theo con đường đó.

- Nhìn vào bài học ở Hội An, ông có cho rằng, sự nề nếp, trật tự một cách tự giác của người dân bắt nguồn từ việc họ tin tưởng vào người lãnh đạo và tự hào về truyền thống tốt đẹp của địa phương mình?

Hội An là một thị xã nhỏ, ai cũng biết ai nên dễ hơn. Với nguyên Bí thư Nguyễn Sự, lúc đầu người dân cũng chưa tin, nhưng sau họ thấy ông ấy nói và làm đều hay. Nếu ông ấy hay ở lời nói nhưng hành động không hay thì sớm hay muộn, chính sách sẽ không bền vững. Đô thị Hội An sau 20 năm đã trở thành thương hiệu.

Người ta sẽ bảo, Hà Nội lớn hơn thì khó hơn. Nhưng nhìn vào mấy ngày vừa qua thì Hà Nội cũng rất nhỏ, ai cũng biết ai đấy. Ông Chủ tịch cũng biết rõ ai đứng sau quán bia đó thôi? Ông Chủ tịch đã làm đúng, và đúng thì người ta sẽ theo. Tôi sợ nhất là cái Thành phố không ai coi ai ra gì, người ta vừa bứng cái lô cốt lên thì đã lấy lý do A lý do B để bảo vệ một cách rất vô nguyên tắc. Không nên làm thế. Nên nhìn thấy đại cục, nên nhìn cái trật tự xã hội, nên nhìn thấy kỷ cương đất nước để mà ủng hộ những người cho dù ở cấp phường hay quận, hay Trung ương.

Tôi mong rằng, cho dù thành phố nhỏ hay lớn thì cũng nên nhìn thấy cái đại cục mà làm trọng, đừng vì ba cái lợi ích cá nhân lẻ tẻ mà làm gương xấu. Hà Nội đang đưa ra những tấm gương tốt, đang đưa ra những cách làm tốt. Hà Nội nhiều cơ quan Trung ương, tôi hy vọng bước đi tiếp theo, tất cả các cơ quan, tất cả các cấp nên hướng đến một thành phố yên lành và có trật tự.

Tôi đã thảo luận với nhiều người và thấy rằng, chúng ta đã chán ghét cái sự tuỳ tiện rồi, nên nhân dịp này, chúng ta làm lại, tái hiện lại hình ảnh một Hà Nội trật tự, ngăn nắp, ai cũng biết ai và nhường nhịn nhau trong cái không gian chật hẹp của Thành phố để mà cùng chia sẻ cơ hội, chia sẻ tình yêu đối với thành phố này.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hết sức có trách nhiệm đối với Hà Nội của chúng ta.

Tuệ Khanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc